Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải chia sẻ rất buồn khi những ngành học vốn là thế mạnh của trường lại rơi vào tình trạng rất khó tuyển sinh, vì người học cho rằng công việc đầu ra vất vả, trong khi nhu cầu phát triển xã hội vẫn rất cần.
“Giờ tuyển sinh cả nước tham gia tất cả mọi lĩnh vực ngành kinh tế thì không biết về sau kinh tế đất nước có phát triển không nữa khi mà cơ sở hạ tầng, công nghệ của đất nước đang như thế này”, ông lo ngại.
Ông Long kể, những học trò cũ của ông hiện đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp nói với ông về việc giới thiệu những người giỏi vào Tây Nguyên, với mức lương 14 triệu mỗi tháng. Song, nhiều sinh viên mà ông giới thiệu từ chối vì muốn làm ở những nơi gần nhà hơn dù mức lương có thể chỉ từ 7-9 triệu đồng, với lý do ngại đi xa.
Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, khó khăn của ngành giao thông hiện nay tác động tới sự lựa chọn của người học. Nhưng đất nước nào cũng đều cần cơ sở hạ tầng giao thông, bởi đó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển. Do đó, trong tương lai có thể đây lại là những ngành “hot”.
“Một trong những cái không thu hút được người lao động trong lĩnh vực này chính là thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động thường ở các doanh nghiệp xây dựng giao thông khoảng 7-9 triệu, ở các vị trí công tác cao thì mới có thể từ 15-16 triệu và cao hơn, trong khi chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân càng ngày càng tăng, do đó không có sức hút”.
Chính vì vậy, lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải mong mỏi xã hội quan tâm hơn, hiểu đúng với giá trị của các ngành này, để hiểu và lựa chọn trong việc đăng ký theo học.
(Theo: VietNamNet)