5 BÀI HỌC NEWBIE CẦN PHẢI NHỚ KHI THEO ĐUỔI CONTENT

by admin

Hành trình 1 năm theo nghiệp Content và 5 bài học NGHÌN ĐÔ các bạn NEWBIE cần phải nhớ

Qua tháng 4 đã mấy ngày rồi, hôm nay mình nhìn lại thì…giật mình. Hóa ra bản thân đã theo nghề Content tròn một năm. Suốt một năm qua có những lúc mình bất lực nhưng chưa bao giờ muốn bỏ nghề mà ngược lại, bây giờ mình còn yêu nghề hơn và quyết theo nó đến cùng. Tuy nhiên, mình chọn hướng rẽ là Freelance Writer chứ không làm việc Full-time vì mình tự nhận thức bản thân không phù hợp và không thể phù hợp với môi trường văn phòng.

Để có thể làm dày CV như hiện tại (dù đã lược giản một số hoạt động và thành tích), mình đã phải trải qua nhiều phút giây mệt mỏi, chán nản. Món mình ăn nhiều nhất không phải là cơm mà là những đêm miệt mài ngồi trên bàn làm việc, viết, nghĩ, suy tư về người về đời. Chính vì được ngồi ở nhiều vị trí, làm việc với nhiều bên đã giúp mình rút ra được những bài học NGHÌN ĐÔ và mình mong nó sẽ hữu ích cho các bạn yêu viết.

1. MUỐN THÀNH CÔNG LÀ CẢ MỘT QUÁ TRÌNH

Không có chuyện ngày một ngày hai bạn viết bài sẽ được người khác chú ý ngay và luôn. Trừ khi bạn là THIÊN TÀI, là một con người sinh ra chỉ để viết thì cơ may, bạn có thể gặt hái được thành công mà bất kỳ người cầm bút nào cũng ao ước. Tuy nhiên, những người như thế thì hiếm lắm nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm. Hầu hết những ai muốn được người khác chú ý, muốn được mời làm việc, muốn có một thương hiệu cá nhân trong kiếp cầm bút thì đều có một quá trình rèn luyện gian lao.

Song, thời nay một số người sẽ ít nói về khung cảnh sau bức màn hào nhoáng. Hoặc các bạn tự nghiệm ra trên hành trình theo đuổi nghiệp viết, hoặc đợi đến lúc người ta công khai, bộc bạch như này như kia, khi ấy, bạn mới chợt vỡ mộng:

“À, thì ra là thế”

“Thì ra không như mình nghĩ”,

“Thế giới này thật sự không màu hồng”.

Riêng mình để đạt được thành tích như thế này thì không thiếu những đêm mình thức trắng chỉ vì bứt rứt tâm can không viết được một cái đề mà mình cực kỳ tâm đắt trước đó. Để được như ngày hôm này, mình phải tập viết mỗi ngày – đây là điều bắt buộc. Lúc trước chưa làm việc cho nhiều bên mình chỉ viết nhật ký mỗi ngày một trang, viết một bài nào đó trong danh sách mình đã lên sẵn. Còn bây giờ, khi đã làm cho nhiều bên, mình vẫn viết nhiều như thế cùng với việc viết cho đối tác. Không có gì lạ khi một ngày mình nhả 2000 – 3000 từ. Bạn nào có theo dõi Facebook mình sẽ thấy, hầu như ngày nào mình cũng có bài đăng, không ngắn thì dài. Đó, hành trình không hề đơn giản để nhận được sự tin tưởng khi mới là sinh viên năm 2 như thế đấy!

2. LÀM VIỆC VỚI NHIỀU BÊN – HÓA THÂN THÀNH NHIỀU NGƯỜI

Đây là một bài học cực kỳ đắt giá cho những bạn nào muốn theo nghiệp Freelance. Trước đây mình khá cứng đầu, không thích thay đổi và càng không có nhu cầu thay đổi. Nhưng theo nghề rồi, học từ các tiền bối rồi mình mới ý thức được bản thân cần thay đổi để thích nghi – không chỉ với môi trường mà còn với từng người làm việc chung.

Ở đây thay đổi không có nghĩa bạn phải làm mình khác đi nhé. Cũng không có nghĩa bạn phải thay đổi để làm hài lòng tất cả mọi người. Mà, bạn cần “hóa thân” thành những con người với những cách xử lý, ứng biến tình huống khác nhau tùy theo đối tượng mà mình tiếp xúc, làm việc chung. Đây thật sự là một điều rất khó nhưng khi vào khuôn rồi, vào vòng vận hành rồi – bạn được tiếp nhiên liệu (giá trị vật chất, tinh thần) tự khắc bạn sẽ nhận ra:

“À, mình nên làm thế này là tốt hơn.”

“À, mình nên nói thế này sẽ khéo hơn.”

Không sao đâu, ai cũng bị “trật khớp” vài lần trước khi được bài học vỡ lòng này. Mình cũng thế thôi, mình viết ra đây để các bạn không bỡ ngỡ và tập cho quen dần.

3. ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ MÌNH “GIỎI”

Bạn giỏi, bạn có quyền kiêu, có quyền chảnh. Thật, nhưng nếu muốn kiêu, muốn chảnh trong thời gian dài mà bạn lại không muốn nạp vào kiến thức, không muốn thay đổi tư duy cho hợp thời đại, cho phù hợp với công việc và định hướng thì…Thật sự khó lắm. Và bạn cũng sẽ bị trượt dài trên chính cái chữ “Giỏi” do mình trải thành đường trước đó.

Dù mình đã làm việc với nhiều bên, tham gia nhiều dự án, thi thố đạt giải nhưng mình vẫn giữ thói quen đọc sách, tra từ điển, học cách lắng nghe,…Mình làm những việc đó mỗi ngày để mình không bị thụt lùi và giữ giá trị bản thân không bị giảm và tốt hơn nữa là ngày càng tăng lên. Với nghề viết mà bạn chỉ cần không viết một tuần thôi thì câu chuyện nó đã khác bọt rất nhiều rồi.

4. NẾU KHÔNG LĂN XẢ, CHẢ AI CHỊU “TRẢ”

Để mình kể cho các bạn nghe 2 câu chuyện điển hình cho việc mình lăn xả khi theo nghề viết để được “trả” nhiều hơn mức ấn định ban đầu:

Câu chuyện thứ nhất là hồi kỳ 1 mình thi học kỳ xong khá sớm và mình dành toàn bộ thời gian để làm việc. Dù lúc đó cận Tết nhưng mình vẫn hăng say viết bài, mình xin chị leader của một dự án lên sẵn keyword cho mình thêm tầm 30 bài nữa để mình viết trong Tết. Chị ấy bảo “Em gắn tên lửa vào viết hay gì dạ?”, mình chỉ biết cười. Qua Tết, mình hoàn thành xong số bài được giao và còn xin thêm nữa. Lúc lãnh lương thì số tiền mình nhận cao hơn nhuận bút ban đầu, chị bảo chị thưởng thêm vì tinh thần làm việc của mình. Dù số tiền đó không quá lớn nhưng mình tin, sự lăn xả của mình đã được “trả” xứng đáng.

Câu chuyện thứ hai là chị sếp yêu dấu của mình giao cho mình toàn quyền quyết định mọi chuyện từ đăng bài, tuyển người viết bài, tuyển người design, tổ chức cái này cái nọ,…Nói chung, giao hết. Và các bạn biết không, mỗi lần giao xong mình gửi kế hoạch chị ấy đa phần đều nhấn like để trả lời tin nhắn. Xong có lần mình thấy chỉ im re quá tưởng có vấn đề gì, mình liền nhắn tin hỏi chỉ. Chỉ bảo: “Cô làm hết vậy rồi tôi biết nói cái gì nữa?”. Mình không phải cống hiến quá nhiều cho tư bản, đơn giản những việc trên mình yêu, mình thích và mình có thể đảm đương. Dĩ nhiên, lương của mình cũng không ít, giá trị mình nhận về cũng vậy.

Còn một câu chuyện ngoài lề nữa, hồi Tết lúc mình chưa kịp về thì trong đêm nghe tin cha mình mất. Mình thật sự hoang mang và không biết làm sao mua kịp vé để về quê gặp mặt cha lần cuối. Và, người chị yêu của mình không chỉ trong công việc, sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để book vé ngay trong tối mùng 4 Tết. Mình chỉ biết khóc và khóc thôi, trước đây mình cứ nghĩ bản thân không xứng đáng được yêu thương nhưng chị ấy đã giúp mình nhìn thấy và hiểu được: mình xứng được yêu thương hơn bao giờ hết.

Đó chỉ là những mẫu chuyện để các bạn thấy rằng, nếu bạn chịu lăn xả bạn sẽ được trả hơn cái sự lăn xả của mình. Nhưng, bạn cần phân biệt giữa bóc lột và tự nguyện nhé, các sếp không yêu cầu mình làm như thế. Các sếp còn bảo mình “viết ít ít thôi”, cơ bản mình đã đam mê rồi nên câu chuyện nó mới như thế, và mình nhận được nhiều hơn như thế.

5. KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CẨU THẢ TRONG NGÒI BÚT

Với cái ý số 5 này, mình xin được phép khó tính với các bạn một chút. Mình thật sự rất buồn khi thấy nhiều bạn viết bài nhưng cực kỳ câu thả. Lỗi trong một bài dài như bài mình đang viết có thể tạm gọi là sơ suất đi, tạm chấp nhận được vì có những lúc viết nhiều dẫn đến hoa mắt. Nhưng vẫn cứ mấy lỗi cơ bản như lỗi dấu, lỗi câu, lỗi từ mà đặc biệt là cái lỗi dấu, có bạn viết sai từ bài này đến bài khác thì đó là gọi là gì? Là cẩu thả trong ngòi bút, là không tôn trọng chính mình và độc giả của mình.

Có những bạn trong list friend của mình cũng mắc nhiều lỗi, hôm nào mình rảnh mình sẵn sàng bình luận để góp ý thiện chí. Và rất may các bạn ấy là người tiếp thu thiện chí. Chứ gặp những bạn vừa bình luận xong cứ làm mình làm mẩy thì…mình âm thầm không trả lời bình luận và hủy kết bạn. Mình không muốn bắt gặp những con người mong muốn theo đuổi nghiệp viết nhưng lại CẨU THẢ trong ngòi bút của mình. Đã thế còn không chịu tiếp thu thì bao giờ các bạn mới hành nghề được?

Chia sẻ với các bạn thế thôi, mình mong các bạn sẽ có cho mình những bài học quý giá trên hành trình theo đuổi nghiệp viết. Bạn nào có câu hỏi gì về content hay gặp khó khăn gì đó trong việc theo đuổi content có thể ngắn cho mình nhé, mình sẵn sàng giải đáp với những người có tinh thần học hỏi, chịu tiếp thu!

You may also like

Leave a Comment