6 LÝ DO VÌ SAO BẠN HAY TRÌ HOÃN CÔNG VIỆC VÀ MẸO ĐỂ LOẠI BỎ NÓ

by admin

  1. BẠN KHÔNG THÍCH CÔNG VIỆC ĐÓ
    Trẻ con chắc chắn không thích việc dọn dẹp đồ và đôi khi người lớn cũng vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, việc dọn dẹp lại không bị trì hoãn nhiều bằng các công việc quan trọng khác của bạn. Có thể lý do bắt nguồn từ việc bạn không thích công việc hiện tại đấy! Ai cũng đôi khi gặp phải những trách nhiệm mà mình không hề muốn gánh vác. Lúc đó, để đối phó, nhiều người sẽ bắt đầu trì hoãn và bỏ xó những công việc được giao. Tất nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là giải quyết các công việc ngay từ đầu, nhưng họ lại không muốn làm vậy.

Vậy, khi gặp tình huống này, cách tốt nhất là bạn hãy tự tạo ra niềm vui để hoàn thành các công việc mà bạn không thích. Bạn có thể biến các công việc thành một trò chơi, tích lũy điểm khi bạn hoàn thành chúng và tự thưởng cho bản thân khi toàn bộ công việc đã được thực hiện tốt. Hoặc, khi đang thực hiện những công việc này, bạn hãy mở tí nhạc để giúp tinh thần phấn chấn hơn. Cuối cùng, hãy tự chất vấn bản thân về mức độ quan trọng của công việc hiện tại. Bạn có thể hủy bỏ nó hay nhờ người khác giúp bạn hay không? Thỉnh thoảng, trao đổi công việc qua lại sẽ giúp ích đấy.

  1. BẠN CẢM THẤY BỊ “NGỘP”
    Có 2 tình huống có thể xảy ra khi bạn rơi vào cảm giác này. Một là khối lượng công việc quá lớn và bạn không biết phải hoàn thành nó như thế nào, hai là các công việc này đang ở trong tình trạng gấp rút nên bạn không biết phải bắt đầu từ đâu.
    Khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều học sinh thường rơi vào tình trạng này. Các bài tiểu luận hay kiểm tra các môn thường có hạn chót trong cùng một thời điểm. Khi đó, thay vì bắt tay vào giải quyết bài vở dần dần, họ lại dành thời gian than thở về việc sao giáo viên lại giao nhiều bài tập như thế.

Thực ra, giải pháp cho vấn đề này cũng khá đơn giản. Bạn hãy chia nhỏ công việc ra và đánh số thứ tự ưu tiên cho chúng. Hãy lập thành một danh sách để tiện theo dõi cũng như gạch chéo những việc bạn đã hoàn thành xong. Cảm giác khi bạn đang hoàn thành gần hết các công việc cần làm sẽ là động lực để bạn không trì hoãn nữa.

  1. BẠN DỄ BỊ MẤT TẬP TRUNG
    Facebook, tin nhắn từ bạn bè, email từ khách hàng, đợt giảm giá ở cửa hàng quần áo bạn yêu thích hay âm thanh của những bữa tiệc, tất cả đều “mời gọi” bạn và khiến bạn không thể tập trung được. Điều này thường xuyên xảy ra, nhưng chúng sẽ phát triển thành một vấn đề lớn thực sự nếu bạn cứ thấy thế giới ngoài kia hấp dẫn hơn và bạn luôn trốn tránh công việc để khám phá nó.

Vậy nên, giải pháp duy nhất bạn cần làm là loại bỏ những thứ gây xao nhãng đi. Hãy tắt điện thoại, tắt TV và kiếm một công cụ để ngăn bạn không tiếp cận được với mạng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ khi bạn xác định được bạn bị xao lãng bởi điều gì thì bạn mới có thể loại bỏ chúng để trở về với công việc. Cũng như chỉ có bản thân bạn mới có thể tự tách biệt mình khỏi những cuộc vui và quay lại với các trách nhiệm được giao.

  1. TRÌ HOÃN XẢY RA TẠI MỘT SỐ THỜI ĐIỂM TRONG NGÀY
    Ai cũng có một “đồng hồ sinh học” riêng nên sẽ có lúc bạn rơi vào trạng thái bão hòa, không có đủ năng suất cũng như khí thế để làm việc. Và trì hoãn xảy ra ở những thời điểm này là hoàn toàn bình thường.

Vì vậy, rất khó để tìm được biện pháp hoàn hảo giúp ngăn cản loại trì hoãn này. Thay vào đó, bạn có thể tìm các công việc khiến bạn cảm thấy vui để thực hiện trong giai đoạn “bão hòa” của cơ thể.

  1. BẠN LÀM VIỆC TỐT HƠN KHI BỊ ÁP LỰC
    Trong thực tế, có những người chỉ làm việc tốt khi họ gặp nhiều áp lực. Do đó, sự trì hoãn của họ đóng vai trò như một yếu tố kích thích năng suất vậy. Nếu bạn nằm trong số những người như vậy và sở hữu khả năng “chạy deadline” khá tốt thì bạn có thể giữ lại thói quen này đấy!
  2. BẠN KHÔNG BIẾT XẾP THỨ TỰ CÁC ƯU TIÊN CỦA MÌNH
    Khi ai đó không biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên và phân loại chúng theo mức độ quan trọng, họ thường nhảy việc một cách rất lộn xộn cũng như trì hoãn nó, vì họ không biết phải tập trung vào công việc nào trước cả.

Vì thế, hãy tập đánh số thứ tự cho các công việc của bạn. Đừng vội hoàn thành công việc tiếp theo khi việc trước đó còn chưa xong. Ngoài ra, bạn nên thiết lập thời gian hợp lý dành cho mỗi loại công việc nữa. Sau khoảng thời gian đó, hãy kiểm tra lại tiến độ thực hiện công việc của mình. Nếu bạn đang làm tốt, hãy nghỉ ngơi một tí và khen thưởng bản thân để tạo thêm động lực nhé!

Nguồn: Bloom Books

You may also like

Leave a Comment