Zahad, người chuyển giới nam, tự mang bầu và hạ sinh con đầu lòng. Sự chào đời của đứa bé tạo mốc quan trọng với cộng đồng LGBTQ+ tại Ấn Độ.
Zahad (23 tuổi) và Ziya Paval (21 tuổi) là cặp chuyển giới đầu tiên ở Ấn Độ trở thành cha mẹ về mặt sinh học. Họ mới đón chào đứa con đầu lòng do Zahad hạ sinh hôm 8/2.
Anh và bạn đời Paval, người chuyển giới nữ, đều trải qua liệu pháp hormone thay đổi giới tính trong quá trình thụ thai.
Sau đó, Zahad mang thai và sinh con tại một bệnh viện công ở bang Kerala (Ấn Độ). Hiện anh và đứa trẻ sơ sinh đang được theo dõi trong phòng chăm sóc đặc biệt.
“Tôi rất hạnh phúc. Hôm nay là ngày tôi được bế con”, Paval cười tươi khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn ANI.
Người mẹ cho biết đứa bé “đã bú ít sữa” và hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp vấn đề về thể chất hay tinh thần. Cặp chuyển giới từ chối chia sẻ về giới tính của con mình.
Trước Zahad, một số người chuyển giới trên thế giới cũng chia sẻ công khai quá trình sinh con.
Trong đó, Thomas Beatie (48 tuổi), nhà môi giới chứng khoán ở thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ), là người chuyển giới nam đầu tiên trên thế giới mang bầu và sinh nở. Anh sinh con gái đầu lòng vào năm 2008.
“Tôi không thấy có gì sai khi là một người đàn ông mang thai. Tôi rất tự hào vì đã đưa các con đến với thế giới. Nó giống như huy chương vậy”, anh nói.
Tuy nhiên, việc Zahad và Ziya Paval sinh con vẫn là cột mốc quan trọng đối với Ấn Độ – nơi cộng đồng người chuyển giới phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử dai dẳng dù đã được công nhận chính thức là “giới tính thứ ba” từ năm 2014, theo Reuters.
Ấn Độ ước tính có khoảng 2 triệu người chuyển giới, mặc dù các nhà hoạt động cho biết con số này còn cao hơn.
Năm 2014, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết rằng người chuyển giới được hưởng các quyền như những người thuộc giới tính khác. Năm 2019, quốc gia này phi hình sự hóa đồng tính.
Tuy nhiên, cộng đồng người chuyển giới vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm. Nhiều người trong số đó buộc phải rời xa gia đình do sự kỳ thị và định kiến của xã hội
Thực tế cho thấy tình trạng nhận thức và chấp nhận cộng đồng LGBTQ+ ở quốc gia Nam Á này vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí, các buổi “trị liệu giới tính” vẫn được tiến hành khá phổ biến tại các viện tâm thần hoặc cơ sở điều trị bằng phương thức tâm linh.
Những người LGBTQ+ trẻ tuổi thường phải chịu cảnh sốc điện, đánh đập, tiêm hormone hay bị cưỡng bức để “thay đổi về đúng giới tính”.
Trong báo cáo năm 2020, Liên Hợp Quốc (UN) khẳng định liệu pháp chuyển đổi xu hướng tính dục dựa trên niềm tin sai lầm và phi khoa học, từ đó kêu gọi các quốc gia cấm thực hiện điều này.