TRUNG QUỐC – Anh Wang, 38 tuổi, ở tỉnh Hà Nam thường bị mẹ đưa đến gặp bác sĩ tâm thần mỗi khi về quê ăn Tết vì chưa từng dẫn người yêu về ra mắt.
Đoạn video về anh Wang được tờ Sohu News và The Beijing News đăng tải, đang lan truyền chóng mặt, gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi về áp lực kết hôn ở quốc gia tỷ dân.
Theo clip thu hút hơn 4 triệu lượt xem, từ ngày đi làm, anh Wang chưa bao giờ dẫn bạn gái về gặp bố mẹ vào các ngày lễ quan trọng. Điều này khiến mẹ anh tin rằng con trai có điều gì đó không ổn.
Kể từ năm 2020, Wang thường được mẹ đưa đến gặp bác sĩ mỗi khi về quê ăn Tết. Ở quê anh, những người ngoài 30 tuổi chưa kết hôn như Wang thường bị gọi là “ông già độc thân”.
Hôm 4/2 vừa qua, Wang cùng mẹ đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Hà Nam. Tại đây, bác sĩ khẳng định anh không có bất kỳ vấn đề gì về thể chất hay tâm lý, nhưng bà mẹ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần khi liên tục thúc ép con trai lấy vợ.
Wang giải thích, chưa thể lập gia đình vì quá bận rộn, chưa tìm được người phù hợp hay có đủ tiền mua nhà ở Bắc Kinh. “Việc này khiến mẹ không thể ngủ được, điều này khiến tôi cảm thấy rất buồn nên đã đồng ý đi khám bệnh để trấn an bà”, Wang, người từng là diễn viên, hiện là huấn luyện viên quần vợt ở Bắc Kinh nói.
Đoạn video quay cảnh Wang được mẹ dẫn đi khám bệnh thu hút hơn 2.000 bình luận. Nhiều người dùng mạng cũng chia sẻ nỗi khổ tâm khi liên tục bị người lớn trong gia đình giục kết hôn. Số khác lại bày tỏ quan điểm: “Những người kết hôn tùy tiện mới có vấn đề về tâm thần”; “Tại sao chúng ta bị gia đình đối xử như những kẻ tội đồ chỉ vì không kết hôn?”.
Khi người trẻ ở các thành phố lớn về quê đón Tết Nguyên đán, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong chuyện lập gia đình ngày càng trở nên gay gắt. Người lớn muốn con cái kết hôn, sinh con, trong khi thế hệ trẻ lại trì hoãn hôn nhân vì nhiều lý do.
Nhưng mấu chốt của vấn đề thường bắt nguồn từ áp lực cuộc sống và thiếu sự hỗ trợ từ xã hội. Bên cạnh đó, một số khu vực vẫn duy trì tập tục thách cưới, nhà trai phải trả một khoản tiền lớn cho nhà gái, điều này khiến nhiều người không đủ khả năng kết hôn.
Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết riêng trong năm 2022, tỷ lệ sinh của nước này là 6,77 ca trên 1.000 người, giảm 0,75 ca so với năm 2021. Trong khi đó ghi nhận đến 7,37 ca tử vong trên 1.000 người, tăng 0,19 so với năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960, nước này ghi nhận số ca sinh ít hơn số ca tử.
Trước thực trạng trên, chính phủ nước này đã bắt đầu đưa ra các ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp chăm sóc trẻ em và cung cấp ngày nghỉ phép dài cho bố mẹ. Đơn cử như thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vừa công bố các ưu đãi tài chính với tổng số tiền lên đến 37.500 nhân dân tệ (gần 130 triệu đồng) cho các gia đình sinh ba con.
Nhưng các phúc lợi trên chưa mang lại hiệu quả. Cuộc khảo sát trực tuyến năm 2022 với hơn 20.000 người, chủ yếu là phụ nữ ở thành phố trong độ tuổi 18-25, 2/3 số người được hỏi thờ ơ với việc sinh con.