CHA MẸ NÊN LẬP DI CHÚC ĐỂ LẠI HẾT TÀI SẢN CHO CON SAU KHI QUA ĐỜI – THAY VÌ LẬP HỢP ĐỒNG TẶNG CHO HẾT TÀI SẢN CHO CON KHI ĐANG CÒN SỐNG: THỰC TIỄN VÀ KHUYẾN NGHỊ!

by admin

Quá trình giải đáp các tình huống pháp lý xảy ra trong thực tiễn cho Bà con khắp mọi miền đất nước, Tác giả nhận thấy có nhiều trường hợp, khi đang còn sống thậm chí là mới chỉ vào độ trung niên, nhưng có khá nhiều Bà con đã lập Hợp đồng tặng cho hết tài sản của mình cho con cái, với suy nghĩ rằng cho con sớm yên bề gia thất – Nhưng trớ trêu thay, không hiếm trường hợp đây chính là khởi đầu cho những sóng gió, bởi sau khi tặng cho hết tài sản, Cha mẹ bỗng dưng trở thành “Người vô gia cư” khi có những đứa con bất hiếu! Tất nhiên sẽ không có một công thức chung nào, để có thể giải quyết được hết các vụ việc liên quan đến tình thân gia đình khi “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mọi thứ còn phụ vào từng bối cảnh cụ thể. Chính vì thế, Tác giả chỉ đưa ra đây những tham vấn mang tính gợi mở, để Bà con có thể tham khảo thêm nhiều phương án, nhằm vận dùng phù hợp với hoàn cảnh của mình. 

   Việc Cha mẹ lập Hợp đồng tặng cho tài sản cho con hay lập Di chúc để lại cho con đều giống nhau ở một điểm, đó đều là việc chuyển giao tài sản từ Cha mẹ sang cho con, đều là phương thức chấm dứt quyền sở hữu của Cha mẹ, và xác lập quyền sở hữu cho con về tài sản. Tuy vậy, hai giao dịch này, lại khác nhau ở thời điểm phát sinh hiệu lực: Nếu như Hợp đồng tặng cho tài sản sẽ phát sinh hiệu lực khi tài sản được chuyển giao hoặc được đăng ký đối với tài sản cần phải đăng ký – Thì Di chúc lại chỉ phát sinh hiệu lực khi Người để lại di chúc đã qua đời. Ví dụ: Ông A có một căn nhà, nếu Ông A lập Hợp đồng tặng cho căn nhà này cho con là B, thì sau khi ký kết Hợp đồng, tiến hành đăng ký xong xuôi, căn nhà này thuộc quyền sở hữu của B, do đó B có quyền mua bán, trao đổi, tặng cho, thế chấp, mà Ông A không được quyền ý kiến; Ngược lại, nếu Ông A làm Di chúc để lại căn nhà này cho B, thì chỉ khi nào Ông A đã qua đời, B mới có quyền khai nhận di sản dựa trên di chúc này, sau đó tiến hành đăng ký xong xuôi, mới được xác lập quyền sở hữu căn nhà này, nghĩa rằng nếu lập di chúc, thì chừng nào Ông A còn sống, di chúc này chưa phát sinh hiệu lực, nhà vẫn là của Ông A, nên B không có quyền gì cả, khi nào Ông A chết thì B mới có quyền. 

   Chính điểm khác nhau sống còn vừa nêu, nên nếu đi theo phương án lập Di chúc, thì Cha mẹ sẽ không tự đẩy mình vào thế kẹt. Thực tiễn tư pháp thực hành, đã từng có trường hợp một Cụ bà sau khi làm thủ tục tặng cho để chia hết phần đất cho các con, sau đó trở thành Người vô gia cư, vì quá uất hận, nên Cụ đã tẩm xăng đốt nhà con mình, rồi dính vào vòng lao lý, may thay Tòa án đã xem xét cẩn trọng mọi khía cạnh, nên không áp dụng hình phạt tù với Cụ bà. Cũng có một số Độc giả, đã giãi bày thêm rằng, nếu mình có tài sản mà chưa chia cho con ngay như tặng cho, mà thiết lập Di chúc, thì sợ con cái nó la rầy, không chăm sóc, gây áp lực nọ kia – Nếu như thế thì lại càng không nên tặng cho ngay, vì khi mình nắm đằng cán, mà còn bị hành hạ như vậy, nếu mình tặng cho xong rồi, nắm đầu lưỡi, thì còn khổ tận cam lai như thế nào?!

   Cuộc sống có nhiều điều rất khó nói, có nhiều trường hợp Cha mẹ để lại tài sản cho con, thì đó là một phúc phận, con cái đỡ phải bươn chải, có nền móng vững chắc, nên có thể làm được nhiều việc hơn. Nhưng cũng không hiếm trường hợp Cha mẹ để lại tài sản cho con, thì đó lại là một sự bất hạnh, vì tạo nên sự ỷ lại, tranh giành, hơn thiệt giữa các con. Vậy nên, cần phải có phương án và phương pháp ổn thỏa nhất có thể, để giải quyết những vấn đề có tính chất tình thân, trên cơ sở phải đảm bảo được hai điều kiện tiên quyết: Một là phải có sự phân chia rạch ròi, cụ thể, như của ai được cái gì, không được cái gì để không tranh giành về sau và hai là, không đẩy mình vào tình thế không còn gì cả khi đang còn sống, hãy giữ lại cho mình một điều gì đó, để không quá phụ thuộc vào con cái, nhất là khi con cái mình đã lập gia đình, mọi thứ càng trở nên chông chênh. Tất nhiên, như đã nói, không phải ai cũng như vậy, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, đó mới là điều an tâm thật sự, nhất là khi về già……

Viết tại Sài Gòn, ngày 10/06/2022 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

You may also like

Leave a Comment