Mỗi khi nghĩ về Hoàng tử bé hoặc khi nghe thấy Hoàng tử bé xuất hiện trong câu chuyện hay lời trò chuyện của ai đó, mọi suy nghĩ của tôi đều miên man trở về với câu hỏi, chúng ta sẽ lớn lên như thế nào?
Chúng ta sẽ lớn lên như thế nào?
Hoàng tử bé bỏ lại bông hồng và tinh cầu B612, chu du khắp nơi trong vũ trụ. Cậu gặp gỡ và trò chuyện với những ông hoàng, những doanh nhân, những nhà thiên văn, những người canh gác,… để rồi cuối cùng theo đàn chim thiên di bay đến Trái Đất.
Ở Trái Đất, cậu gặp một chú cáo nhỏ – người bạn dạy cậu bài học về sự cảm hóa của tình bạn và sự tận tâm dốc lòng của tình yêu thương.
Ở Trái Đất, cậu gặp người phi công – người đã mang đến cho cậu một con cừu để ngăn tinh cầu B612 khỏi thảm họa bao báp, người đã lắng nghe về chuyến hành trình của cậu và lặng lẽ nhớ thương khi cậu ra đi.
Thế rồi Hoàng tử bé sẽ đi đâu tiếp nhỉ?
Tôi cứ băn khoăn mãi về câu hỏi ấy, suốt từ khi gấp trang sách lại trong những ngày của tuổi mười lăm. Hoàng tử bé sẽ đi đâu tiếp nhỉ? Cậu ấy có lớn lên không, hay sẽ như Peter Pan – quay về B612 và sống mãi cùng bông hoa hồng của cậu? Và sẽ thế nào đây, nếu như mình thì sớm muộn gì cũng phải lớn, còn Hoàng tử bé thì cứ bé mãi thôi?
Thế rồi cũng đến một ngày những câu hỏi của tôi có một lời hồi đáp. Tôi gặp lại người bạn cũ ấy trong một hình hài mới – cậu lớn lên. Cậu không còn là Hoàng tử bé nữa, cậu là một anh chàng gác cổng đầy lo lắng và bối rối, làm việc quần quật trong một tòa cao ốc của vị doanh nhân thành đạt nọ. Cậu đã quên đi quá khứ, chẳng còn kí ức gì về những ngày còn là Hoàng tử bé. Cậu bây giờ là một người lớn, hoàn toàn.
Tôi đã khóc khi gặp lại cậu vào lúc đó. Bạn có nhớ không? Đó là năm 2015, khi bộ phim hoạt hình “The Little Prince” của đạo diễn Mark Osborne ra mắt. Hoàng tử bé sẽ đi đâu? Cậu sẽ lớn lên chứ hay sẽ còn bé mãi?… Khi nhìn thấy chàng trai trẻ đầu bù tóc rối, quay cuồng trong guồng quay của công việc, khúm núm trước tay doanh nhân và lo sợ trước bao nhiêu “thảm họa” công việc, tôi thực sự bừng tỉnh. Hoàng tử bé không phải là một nhân vật hư cấu. Cậu không phải tưởng tượng kì ảo phi thường của người phi công. Cậu càng không phải một thứ ảo ảnh được lưu giữ đầy trân trọng trong hồi ức đọc của mỗi người. Cậu thực sự đã sống và đã hiện hữu, trong chính mỗi chúng ta.
Chúng ta sẽ lớn lên như thế nào?
Chúng ta có còn nhớ về những niềm vui thơ trẻ?
Chúng ta có còn nhớ về những tò mò với cuộc sống?
Chúng ta có còn nhớ về những khát khao khám phá, phiêu lưu?
Chúng ta có còn nhớ về sự cứng đầu, lòng can đảm và nhiệt thành khi muốn làm điều gì đó?
Chúng ta có còn nhớ về sự thẳng thắn khước từ khi đứng trước điều bản thân không muốn làm?
Trong câu chuyện mà người phi công kể lại, mỗi chuyến phiêu lưu của Hoàng tử bé đều đem đến cho cậu một bài học và giúp cậu mở mang cái nhìn về thế giới. Hoàng tử bé không phải kẻ chỉ khăng khăng muốn sống mãi trong thế giới ngây ngô của trẻ thơ, càng không phải kẻ không bao giờ muốn lớn. Cậu sẵn sàng đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời từ những người cậu gặp. Cậu giữ lại cho mình thế giới riêng, nhưng không vì thế mà chối bỏ thế giới khác. Cậu luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ…
Tôi chợt hiểu ra rằng trong mỗi chúng ta đều ẩn mình một Hoàng tử bé – một đứa trẻ luôn háo hức, luôn khát khao và luôn sẵn sàng mở lòng với những điều mới lạ. Nhưng rồi theo thời gian, chúng ta lớn lên… Thời gian chảy trôi, ta lao vào cuộc sống, ta quăng bản thân mình vào vô vàn những trải nghiệm, ta đối mặt với cả những niềm vui sướng và nỗi khổ đau, cả hân hoan và áp lực. Đã có lúc, cuộc sống bào mòn ý chí, bào mòn niềm tin, bào mòn tình yêu thương của ta, và chắc hẳn đã có lúc ta muốn gục ngã, muốn trốn chạy, muốn dựng lên cho mình một hàng rào tự bảo vệ bản thân. Ta không còn đủ nhiệt thành để bước vào cuộc sống như đứa trẻ khi xưa nữa… Ta lo lắng nhiều hơn, sợ hãi nhiều hơn, thất vọng nhiều hơn. Ta quên mất ta là ai, quên mất đâu là điều ta khao khát. Đó chính là khi Hoàng tử bé lớn lên. Đó chính là khi ta lớn lên.
Nhưng bạn ơi!
Có một người phi công đã xuất hiện!
Ông nhắc chúng ta rằng: “Tất cả người lớn đều từng là trẻ con, nhưng hiếm ai còn nhớ được điều đó…”.
Ông nhắc chúng ta về sự linh hoạt mà vẫn kiên định: “Mỗi lúc gặp một người lớn có vẻ sáng sủa một tí, tôi lại thử ông ta bằng bức phác thảo số một mà tôi luôn mang theo. Nhưng luôn luôn ông ta trả lời: “Đấy là một cái mũ”. Thế là tôi chẳng thèm nói với ông ta về trăn rắn, rừng hoang hay các vì sao nữa. Tôi tự hạ mình xuống ngang tầm ông ta. Tôi nói về chơi bài, chơi gôn, chính trị và cravate. Và con người lớn kia cảm thấy hài lòng vô cùng khi được quen một con người biết điều như vậy.”
Ông kể lại câu chuyện về một người bạn trên con đường phiêu lưu. Trên con đường ấy, người bạn của ông đã học thêm được bao nhiêu điều ý nghĩa về cuộc sống.
Nhưng rồi người phi công ấy đã đi vào thăm thẳm bầu trời. Cho những người ở lại, ông gửi tặng một món quà mang tên “Hoàng tử bé”. Món quà ấy nhắc chúng ta nhớ về những điều đẹp nhất trong con người mình: một trái tim rộng mở, ấm áp yêu thương; một tinh thần đong đầy trách nhiệm và một khát khao phiêu lưu trước những hành trình bất tận, bao la.
Mỗi lần gặp lại Hoàng tử bé, tôi đều tâm tâm niệm niệm như thế.
Chúng ta sẽ lớn lên và sẽ mang theo món quà ấy, giữ trọn vẹn với lòng trân trọng, nâng niu trong suốt cuộc đời này.