• Ngay trong buổi sáng mùng một, các em học sinh đến gặp thầy cô chúc họ sống lâu. Thầy cô đưa cho học trò những tờ giấy hồng có hoa văn và những chiếc cọ vẽ xinh xắn mà họ sẽ dùng để vẽ những nét chữ đầu tiên, giúp mang lại điềm tốt cho cả năm.
• Từ đầu đến cuối đất nước, từ nông thôn cho đến thành phố, mọi người đều ăn mặc đẹp nhất. Người ta chọn giờ để xuất hành đầu năm và hướng đi đầu tiên mà người ta đi, để có thể gặp được các vị thần giàu có và hạnh phúc trên đường. Người ta tránh nói ra những điềm xấu vì sợ rằng sẽ phải chịu một hậu quả có hại trong cả năm. Thậm chí, người ta còn cẩn thận không quét nhà vào ngày đầu năm vì sợ sự giàu có của gia đình rời khỏi tổ ấm cùng với những thứ rác rưởi.
• Người ta phải quan sát thời tiết của tám ngày đầu tiên, để đoán xem loài nào trong tám loài tự nhiên sẽ phát triển mạnh trong năm. Ngày thứ nhất thuộc về loài gà trống, ngày thứ hai thuộc về loài chó, ngày thứ ba thuộc về loài lợn, ngày thứ tư thuộc về loài dê, ngày thứ năm thuộc về loài trâu, ngày thứ sáu thuộc về loại ngựa, ngày thứ bảy đối với con người, và ngày cuối cùng là ngày thứ tám đối với gạo. Nếu bầu trời quang đãng và không có mưa trong một hoặc nhiều ngày này, các loài tương ứng sẽ gặp nhiều thịnh vượng trong năm.
• Người ta cũng xem xét hướng di chuyển của búi lá ở đầu cây nêu. Nếu đám lá đung đưa trong gió bấc thì thu hoạch sẽ ở mức trung bình khá. Và sẽ rất tuyệt vời trong trường hợp hướng gió quay về hướng tây bắc. Người ta sẽ gặp hạn hán lớn nếu gió thổi về hướng nam, chiến tranh khi gió thổi về hướng bắc, những trận mưa dồi dào khi gió thổi ở hướng đông.
• Ở nông thôn, đặc biệt là những người sống bằng nghề đánh bắt cá và vận chuyển đường sông, một lượng nước nhỏ từ năm trước được cân đo để so sánh với lượng nước tương tự của đầu năm. Nếu lượng nước năm mới nặng hơn lượng nước năm cũ là điềm xấu và sắp xảy ra lũ lụt kinh hoàng. Nếu ngược lại thì cả năm sẽ hanh thông, công việc đồng áng gặp mưa thuận gió hòa.
Nội dung: trích sách “Tết Việt Nam xưa” – Nhiều tác giả, Du Uyên dịch
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ