Cuộc sống ở miền Trung và miền Đông nước Nga như thế nào?

by admin

TRẢ LỜI BỞI MICHAEL CHEREPANOV, SINH RA Ở NGA

Đang sống ở miền Tây Siberia, sớm hơn 4 giờ so với Moscow đây. Phần lớn các sự kiện được phát sóng vào khung giờ bất tiện (đêm muộn hoặc sáng sớm). Làm việc với phương Tây đồng nghĩa với việc thi thoảng bạn phải ở lại văn phòng đến tối vì chênh lệch 5-7 múi giờ với các nước châu Âu.

Nói chung, cuộc sống của chúng tôi rất khác với cuộc sống ở Moscow. Tuy vậy, người dân ở những thành phố lớn vùng Siberia (lớn hơn 200k dân) cũng không đến nỗi khốn khó. Chúng tôi không bị đói, vẫn có đầy đủ vật dụng và đủ những thứ khác, với hàng đống ô tô. Đường sá từ thời Soviet chắc chắn không được thiết kế cho số lượng xe hơi lớn đến vậy.

Tôi nhớ biển chứ, nhưng đi du lịch thì đắt đấy. Thường thì mọi người ở đây dành 2 tuần cho những chuyến đi tới Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Thái Lan mỗi năm một lần, có khi 2 năm/lần. Đi châu Âu thì hiếm, thường là đến Prague hoặc Barcelona. Những khu vực khác sẽ đắt đỏ hơn.

Nói về khí hậu đi – khắc nghiệt. Ngay lúc này đây tôi đang thấy một trận bão tuyết bên ngoài cửa sổ, trong khi ở phía Tây nước Nga còn chưa có tuyết. Nhưng bạn phải làm quen thôi.

Nguồn: https://qr.ae/pGBSEy

———————–

TRẢ LỜI BỞI YEVGENI OURIEVSKI, SINH RA Ở KHABAROVSK, NGA, RỜI ĐI VÀO 1999

Để trả lời câu hỏi đầu tiên của bạn:

Tôi còn nhớ chúng tôi cảm thấy rất thiếu kết nối với Moscow và nước Nga nói chung. Ở một số nơi, (phần đông dân) của Nga còn được gọi là “đại lục” trong khi những nơi đó vẫn nằm trên lục địa. Chúng tôi cũng không hề cảm thấy có kết nối với những nước khác như Trung Quốc hay Nhật Bản, khoảng cách thì quá lớn và bạn sẽ phải bay hàng giờ đến các quốc gia khác.

Thành phố của tôi cách Vladivostok 800 km – nơi gần nhất có biển bơi được. Đối với diện tích của Nga thì khoảng đó không quá xa, bạn có thể tới trong một giờ đi máy bay, một ngày lái xe hoặc một đêm đi tàu.

Nhìn chung thì người Nga không hay đi du lịch, tương tự như người Mỹ. 80% dân số Nga chưa từng ra nước ngoài – một tỉ lệ tương đương với Mỹ (T/N: chỗ này hình như hơi sai sai, theo thống kê chỉ có 40% người Mỹ chưa từng ra nước ngoài). Du lịch là một thứ rất đáng mơ ước nhưng việc có được visa Schengen hoặc visa Mỹ rất khó, chưa kể chi phí đắt đỏ, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế Nga năm 2015. Du lịch nội địa nhờ đó phát triển, nhưng với một người Nga phổ thông thì ngắm cảnh không hấp dẫn. Họ thích đi biển và tận hưởng dịch vụ du lịch kiểu lười biếng – như bạn thấy ở Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc vài nơi khác.

Thứ gây ám ảnh nhất với tôi trong nửa phần đời đầu tiên ở Nga là khí hậu vùng Viễn Đông. Nó là nơi gần với địa ngục trần gian nhất mà người ta có thể nghĩ tới. Bạn hẳn không ngạc nhiên khi suốt chiều dài lịch sử, chẳng ai muốn định cư ở đó, kể cả người Trung Quốc? Vùng đó gần như không thể sống được vì thứ mùa đông tàn bạo, khi mà nhiệt độ có thể rơi xuống -35 độ C với gió mạnh, mùa hè thì nóng ẩm với +35 độ C và độ ẩm 95% – nơi duy nhất trên Trái đất khắc nghiệt như thế. Thêm vào hàng đàn muỗi với đủ kích cỡ và chủng loài, rồi bạn có bức tranh hoàn hảo về miền Đông Siberia và vùng Viễn Đông. Có lý do hẳn hoi cho việc kể từ thời Ivan IV Siberia trở thành vùng lưu đày cho phạm nhân.

Tỉ lệ phạm tội, đặc biệt là g.i.ế.t người ở Siberia và Viễn Đông cao hơn nhiều so với ở Moscow hay miền Tây Nga nói chung.

Tuy vậy, phân biệt chủng tộc lại đỡ tồi tệ hơn nhiều.

Do khoảng cách địa lý trong cung ứng và chi phí sản xuất cao, mọi thứ, đặc biệt là bất động sản đắt một cách điên rồ. Khabarovsk là một trong những vùng đắt đỏ nhất nước Nga trong lĩnh vực đó và nó chắc chắn còn chẳng đáng tiền.

Theo: Long Nguyen

You may also like

Leave a Comment