Để yêu bất kì người nào, hãy làm những điều sau

by admin

Hơn 20 năm trước, nhà tâm lý học Arthur Aron đã thành công trong một thí nghiệm vô tiền khoáng hậu: làm cho 2 người xa lạ yêu nhau. Hè năm ngoái, tôi đã thử tự thực hiện nghiên cứu của ông, điều dẫn tôi tới việc đứng giữa một cây cầu lúc nửa đêm, nhìn chăm chú vào mắt một anh bạn trong vòng 4 phút.

Luận về yêu

 Để tôi giải thích rõ hơn. Vào đầu giờ chiều, trong một buổi hẹn hò, anh nói: “Mình ngờ rằng, với một vài điểm chung, bạn có thể yêu bất kì ai. Nếu vậy thì làm cách nào mà chúng ta chọn lựa người mình yêu?“.

 Anh là một người tôi biết sơ sơ hồi đại học tôi thường tình cờ gặp ở chỗ tập leo núi, và tôi cũng từng để ý liếc qua tài khoản anh trên Instagram. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đi chơi với nhau.

 “Thật ra, các nhà tâm lý học từng thử khiến cho người ta yêu nhau,” Tôi nói khi nhớ ra về những nghiên cứu của Tiến sĩ Aron. “Nó có vẻ hay ho đấy, tớ luôn muốn thử nó“.

 Tôi đọc về nghiên cứu ấy lần đầu tiên khi tôi đang trải qua giai đoạn chia tay. Mỗi lần tôi nghĩ về việc từ bỏ, trái tim tôi lại xâm chiếm toàn bộ lý trí. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt. Như một nhà học thuật tôi đi tìm đọc các nghiên cứu khoa học về tình yêu, hi vọng là tìm được điều gì đó để yêu một cách khôn ngoan hơn.

 Tôi giải thích thí nghiệm này cho anh. Một người đàn ông và một người phụ nữ không hề quen biết nhau được đưa tới phòng thí nghiệm. Họ được bố trí ngồi đối diện nhau và được yêu cầu trả lời một chuỗi các câu hỏi với tính cá nhân và riêng tư tăng dần. Rồi họ được yêu cầu nhìn vào mắt người kia trong vòng 4 phút. Và chi tiết kinh ngạc nhất là, 6 tháng sau thí nghiệm đó, họ đã lấy nhau. Họ còn mời toàn bộ nhóm nghiên cứu đến lễ cưới nữa. 

Chúng ta thử làm xem“, anh nói.

 Trước hết tôi phải nói rằng điều chúng tôi làm khó được coi là một thí nghiệm nghiên cứu mô phỏng lại những gì Tiến sĩ Aron đã làm. Vì điều đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang ngồi tại một quán bar, không phải phòng thí nghiệm, và điều thứ hai đó là chúng tôi đã biết nhau từ trước, và có một chút thiện cảm với nhau.

 Tôi tra Google bộ câu hỏi của Tiến sĩ Aron. Chúng tôi dành 2 giờ tiếp theo chuyền chiếc iPhone của tôi qua lại để hỏi nhau theo mẫu.

 Chúng bắt đầu bằng những câu hỏi vô thưởng vô phạt: “Bạn có thích sự nổi tiếng không? Theo cách nào?” và “Lần cuối bạn hát cho chính bạn/người khác là khi nào?

Nhưng rồi chúng nhanh chóng chuyển sang sự thăm dò.

Với câu “Hãy kể ra 3 điểm chung giữa bạn và người kia,” anh nhìn tôi và nói, “Anh nghĩ chúng ta đều có điểm chung là chúng ta có thiện cảm với nhau.

Tôi phì cười và hớp một ngụm bia trong khi anh liệt kê thêm 2 điều gì đó nữa mà giờ tôi đã quên mất. Chúng tôi trao đổi những câu chuyện về lần cuối mà chúng tôi khóc, và thú nhận về điều mà chúng tôi muốn hỏi về tương lai nếu gặp một nhà tiên tri. Chúng tôi nói về những mối quan hệ với người thân trong gia đình.

Những câu hỏi làm tôi gợi nhớ tới thí nghiệm nổi tiếng về ếch ngồi trong nồi nước sôi, nếu một con ếch được thả vào một cái nồi nóng nó sẽ nhảy ra ngay, nhưng nếu nhiệt độ được từ từ tăng lên từ mức nhiệt bình thường thì con ếch sẽ không nhận ra cho đến khi quá muộn. Với chúng tôi, bởi vì mức độ riêng tư của các câu hỏi cứ tăng chậm rãi, tôi không để ý rằng chúng tôi đã trở nên thân mật với nhau từ lúc nào không hay, một điều mà thường phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng trời.

Tôi thích việc nhận ra tôi là người như thế nào qua các câu trả lời của mình, nhưng tôi còn thích việc tìm hiểu về đối phương hơn nữa. Quán bar vắng vẻ hồi đầu giờ chiều khi chúng tôi đến, giờ đây đã kín chỗ khi chúng tôi tạm dừng để vào nhà vệ sinh.

Tôi ngồi một mình ở bàn của chúng tôi, và lần đầu tiên từ lúc vào đây, tôi để ý tới bối cảnh chung quanh, và tự hỏi liệu có ai đó lén nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi. Kể cả nếu có ai đó làm vậy thì tôi cũng đã không phát hiện ra. Và sau đó tôi cũng không để ý đám đông vơi dần và đêm đã về khuya.

Chúng ta đều có những câu chuyện, “phiên bản” riêng của sự thật về bản thân mà chúng ta thường kể khi gặp những người lạ và không mấy thân thiết, nhưng những câu hỏi của Tiến sĩ Aron làm cho những câu chuyện này khó được dùng tới. Những câu chuyện của chúng tôi hôm đó làm tăng sự gần gũi tựa như những gì diễn ra ở trại hè hồi học sinh, thức suốt đêm với những người bạn mới. Khi bạn 13 tuổi, xa nhà lần đầu, có vẻ như khá là tự nhiên để thân quen với ai đó một cách nhanh chóng. Nhưng hiếm khi đời sống trưởng thành cho bạn những cơ hội như vậy.

Thời khắc tôi cảm thấy không thoải mái nhất không phải là khi tôi phải tự thú về những điều xấu của bản thân, mà là lúc tôi phải nhận xét về người bạn đồng hành. Ví dụ: “Hãy chia sẻ về 5 điều bạn nghĩ là đặc điểm/tính cách tích cực của anh/cô ấy”, và “nói với anh/cô ấy bạn thích gì ở họ; hãy thật trung thực và sẵn sàng nói những điều mà bạn thường không nói với ai đó bạn chỉ mới quen“.

Chủ yếu nghiên cứu của Tiến sĩ Aron tập trung vào việc tạo ra mối liên kết gần gũi. Cụ thể là, một số nghiên cứu tìm hiểu về cách mà chúng ta đưa người khác vào cảm nhận của chúng ta về bản thân. Thật dễ để thấy rằng các câu hỏi khuyến khích điều được gọi là “sự mở rộng bản thân.” Nói những điều như “Tôi thích giọng của bạn, phong cách của bạn, cái cách mà những người xung quanh ngưỡng mộ bạn,” khiến cho một vài tính chất tích cực của một người trở nên giá trị với người khác.

Thật sự đó là một điều đáng ngạc nhiên khi biết được rằng ai đó ngưỡng mộ bạn. Tôi không biết tại sao chúng ta không khen ngợi đúng mực những người xung quanh nhiều hơn.

Chúng tôi kết thúc bộ câu hỏi vào lúc nửa đêm, hẳn là quá lâu so với 90 phút trong thí nghiệm gốc. Nhìn xung quanh quán, tôi cảm thấy như mình vừa thức dậy vậy. “Nó cũng không tệ lắm nhỉ,” tôi nói. “Chắc chắn là dễ chịu hơn cái phần nhìn vào mắt nhau.”

Anh ngập ngừng rồi hỏi: “Chúng ta có nên thực hiện nốt phần đó không?

Ở đây á?” Tôi nhìn xung quanh quán. Có vẻ như hơi kì cục và công khai.

Chúng ta có thể đi lên cây cầu kia“, anh nói, nhìn về phía cửa sổ.

Đêm hôm đó khá ấm áp và tôi cảm thấy tỉnh táo. Chúng tôi dạo lên điểm cao nhất của cây cầu, rồi quay mặt về phía nhau. Tôi mò mẫm đặt giờ trên chiếc điện thoại.

 “O.K.,” Tôi nói, hít một hơi thật sâu.

 “O.K.,” anh nói và cười.

Tôi từng trượt băng mạo hiểm, cheo leo trên vách núi với những đoạn dây thừng ngắn ngủn, nhưng nhìn vào mắt người khác trong 4 phút im lặng thực sự là trải nghiệm kịch tính hơn nhiều. Tôi mất mấy phút chỉ để thở một cách bình thường. Có những nụ cười lo lắng cho đến khi, chúng tôi trở nên bình lặng.

Tôi biết rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thế nhưng điều đặc biệt trong lúc ấy không phải chỉ là việc tôi đang thực sự nhìn vào ai đó, mà là việc tôi đang nhìn một ai đó thực sự nhìn vào tôi. Một khi tôi đón nhận sự thật choáng ngợp này và cho nó thời gian lắng lại, tôi chạm đến một nơi mình không lường trước.

Tôi cảm thấy dũng cảm, và ở trong trạng thái vô cùng tuyệt diệu. Một phần xuất phát từ chính sự yếu đuối của chính mình và một phần giống như cái cảm giác khi mà bạn nói một từ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn không còn cảm nhận được ý nghĩa của nó và nó trở về với những gì nó thật sự là: một sự kết hợp của âm thanh.

Khi chuông hẹn giờ vang lên, tôi đã bất ngờ – và đôi chút nhẹ nhõm. Nhưng tôi cảm thấy một cảm giác mất mát. Ngay lập tức tôi đã bắt đầu nhìn buổi tối của chúng tôi qua lăng kính siêu thực và huyền ảo.

Phần lớn chúng ta nghĩ về tình yêu như là một điều gì đó xảy đến với mình. Chúng ta rơi vào tình yêu, chúng ta bị phải lòng ai đó.  

Nhưng điều tôi thích về nghiên cứu này đó là cách mà nó giả định rằng tình yêu là một hành động. Nó giả định rằng điều quan trọng với anh thì cũng quan trọng với tôi, bởi vì chúng tôi có ít nhất là 3 điểm chung, bởi vì chúng tôi đều gần gũi với mẹ mình, và bởi vì anh để tôi nhìn vào anh.

Tôi tự hỏi điều gì sẽ đến từ sự tương tác giữa chúng tôi. Nếu không có gì khác, tôi nghĩ nó cũng đã tạo thành một câu chuyện thú vị. Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng câu chuyện không phải là về chúng tôi; nó là về việc thế nào là bỏ công ra để hiểu một ai đó, nó là về việc thế nào để được thấu hiểu. 

Đúng là bạn không thể lựa chọn ai yêu bạn, dù tôi đã dành nhiều năm hi vọng vào điều ngược lại, và bạn không thể tạo ra cảm xúc lãng mạn dựa trên sự tiện dụng đơn thuần. Khoa học nói với chúng ta rằng yếu tố sinh học cũng quan trọng nữa. 

Nhưng bất chấp những điều này, tôi bắt đầu nghĩ tình yêu là một thứ có thể biến đổi nhiều hơn so với cách chúng ta nghĩ về nó. Nghiên cứu của Aron dạy cho tôi rằng việc tạo ra sự tin tưởng và thân mật, những yếu tố cần thiết cho tình yêu, không chỉ có thể được tạo ra, mà còn được tạo ra một cách khá đơn giản. 

Bạn có lẽ đang thắc mắc liệu anh ấy và tôi cuối cùng có yêu nhau không. Có, nhưng khó mà nói rằng chuyện chúng tôi yêu nhau hoàn toàn là do chúng tôi thực hiện thí nghiệm trên. Chúng tôi dành nhiều tuần trong không gian thân mật mà chúng tôi tạo ra đêm đó, mong chờ xem điều gì sẽ nảy nở. 

Tình yêu không xảy đến với chúng ta. Chúng ta yêu bởi vì chúng ta quyết định làm như vậy.

Việt Cường | The New York Times

You may also like

Leave a Comment