ĐIỀU GÌ MÀ MỌI NGƯỜI NÊN BIẾT VỀ ĐẦU TƯ?

by admin

Tôi đã từng làm mọi thứ sai be bét.

Đã từng kiếm được hàng triệu đô la và phá sản. Lại kiếm được rồi mất. Lại kiếm được rồi mất.

Mọi người bảo thôi thì không thành công cũng thành nhân nhưng mà tôi muốn nhiều hơn thế, trở thành một nhà đầu tư giỏi và điều đó thực sự khó với tôi.

Tôi cứ nghĩ mình giỏi kiếm tiền thì cũng giỏi giữ và khiến nó sinh sôi nhưng mà bé cái nhầm. Tôi chả có kinh nghiệm, chưa từng làm việc ở Phố Wall hay quỹ đầu tư gì gì đó, chỉ có nhiệt huyết cháy bỏng.

Nó khó còn tôi thì sợ, có chút hối hận khi mê đầu tư.

Giờ thì tôi đã là NĐT chuyên nghiệp 20 năm rồi. Tôi từng làm daytrader (NĐT giao dịch trong ngày), NĐT mạo hiểm, quản lý quỹ phòng hộ, cũng đầu tư vào các quỹ phòng hộ khác, công ty chưa niêm yết, làm bank trader…

Kể từ năm 2007 tôi nhận lãi khoảng 70% mỗi năm từ các khoản đầu tư của mình, bắt đầu từ rất nhỏ và giờ đây nó phình to như trái banh tuyết.

Khá là ngạc nhiên khi thấy ít người học đầu tư đến thế, dù tôi biết nó khó. Tôi cũng nói chuyện suốt với mấy NĐT “chuyên nghiệp”, mấy người đó còn chả biết gì về những thứ cơ bản nhất.

  • A. Đọc lịch sử

– Đọc lịch sử đầu tư, lịch sử tiền tệ. Chúng tới từ đâu, những giao dịch đầu tiên khi nào, nghiên cứu tất cả các bong bóng đầu cơ.

– Đọc về đầu tư hiện đại. Tại sao Đại khủng hoảng lại xảy ra? Biến động những năm 1930, 1960? Cái gì gây ra suy thoái những năm 1970? Cái gì đã khiến thị trường tăng và sụp đổ những năm 1980?

– Bong bóng thực sự của năm 2000, 2006 – 2007 dẫn đến các vụ sụp đổ lớn? Lưu ý: câu trả lời không phải “internet” và “nhà đất” đâu nhé.

– Điểm chung trong mọi cuộc suy thoái là gì? Điểm chung trong mọi thị trường gấu (thị trường giá xuống) là gì?

Nhiều lắm. Nghiên cứu lịch sử đầu tư là nghiên cứu lịch sử tâm lý học thế giới. Có ngàn thứ để học.

  • B. Đọc tiểu sử người nổi tiếng

Bắt đầu với Warren Buffett. Sau đó đến Bernard Baruch, sách mới của Greg Zuckerman, cuốn “Principles” của Ray Dalio. Rồi Jesse Livermore, Carl Icahn, Jim Cramer, Victor Niederhoffer, Michael Milken, Charlie Munger, George Soros. Đọc tất cả các cuốn Market Wizards. Cả John Templeton, Peter Lynch. Nói chung mọi NĐT mà bạn có thể tìm được, tôi chỉ liệt kê một số ở mục Z.

Sau khi đọc xong cuốn nào hãy viết ra 10 điều bạn học được từ NĐT đó.

Có lần tôi xem 1 video tiêu đề“5 NĐT xuất sắc nhất mọi thời đại”, điều ngạc nhiên là 4 NĐT chuyên nghiệp tham gia tranh luận biết rất ít về lịch sử và tiểu sử của những người họ đang nói tới.

  • C. Nghiên cứu về các loại hình đầu tư

Vì không học trường kinh doanh, cũng chưa bao giờ làm việc ở ngân hàng hay quỹ đầu tư nên tôi không bị bó buộc theo một phong cách cụ thể nào.

Tôi học và thử nghiệm, sau đó mới tìm ra phong cách phù hợp với mình. Mỗi kiểu sẽ phát huy tốt nhất trong những điều kiện và thời điểm khác nhau, thế nên để thực sự hiểu đầu tư thì bạn phải biết tất.

– Đầu tư giá trị

– Đầu tư tăng trưởng

– Giao dịch song hành mạo hiểm (Kinh doanh chênh lệch giá sáp nhập)

– Giao dịch song hành chuyển đổi (Kinh doanh chênh lệch giá trái phiếu chuyển đổi)

– Đầu tư quyền chọn

– Đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết.

– Đầu tư mạo hiểm

– Đầu tư trái phiếu

– Đầu tư thâu tóm

– Đầu tư quỹ tương hỗ mô hình đóng

– Đầu tư trong các tình huống đặc biệt (spin off, thứ cấp, mua nội bộ, chỉ số…)

– Tài trợ thương mại, đầu tư vào tài sản thế chấp, mua nợ mạo hiểm, mua nợ tín dụng…

– Chênh lệch giá quốc gia

– Đầu tư PIPE

– Cổ phiếu vốn hóa nhỏ và khác biệt với cổ phiếu vốn hóa lớn như thế nào

– Phòng vệ giá

  • D. Tìm hiểu về doanh nghiệp

Hiểu cơ bản về kế toán, những kiểu bẫy NĐT. Tìm hiểu về định giá doanh nghiệp.

Tại sao một số cổ phiếu giao dịch ở mức giá lớn hơn thu nhập công ty đó tạo ra còn những cổ phiếu khác thì không và sẽ không?

Để hiểu một cổ phiếu, bạn phải hiểu cách thức hoạt động của công ty đó, kinh doanh tốt không? CEO tốt không?

  • E. Nắm bắt các xu hướng thị trường

Tự động hóa, công nghệ gen, cần cỏ, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data, thực phẩm nguồn gốc thực vật, năng lượng…

Hiện tại xã hội này cần gì? 5 năm nữa cần gì? Ai sẽ làm việc đó?

Có một cách nhanh chóng để làm được điều này:

  • F. Định luật Moore

Năm 1966, Gordon Moore, một trong các nhà sáng lập Intel, đã dự đoán năng lực máy tính sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 24 tháng. Và điều đó đã xảy ra.

Đầu tư vào một ngành đang tăng gấp đôi sau mỗi X tháng sẽ dẫn đến khối tài sản khổng lồ. Ngành công nghiệp máy tính/internet đã đi từ giá trị hàng trăm triệu đô la lên hàng nghìn tỷ đô la.

Một số ngành như vậy như: máy tính (vẫn còn tiềm năng tăng trưởng), công nghệ gen, năng lượng mặt trời, dữ liệu, AI, tự động hóa…

Tìm các ngành thỏa mãn định luật Moore nhiều nhất có thể, tránh lừa đảo và đầu tư vào chúng.

  • G. Thống kê

Nếu có thể hãy tìm một số gói dữ liệu thống kê dễ sử dụng để thử nghiệm các ý tưởng.

Ví dụ, điều gì thường xảy ra nếu thị trường đi xuống 5 ngày liên tiếp? Hay giá cổ phiếu Microsoft giảm năm ngày liên tiếp? Điều gì thường xảy ra vào thứ Hai nếu thứ Sáu giảm?

Điều gì xảy ra khi thị trường chứng khoán Canada đi lên và Mỹ đi xuống?

Điều gì xảy ra sau một giao dịch nội gián mua số lượng lớn cổ phiếu?

Có ngàn câu hỏi bạn có thể hỏi dữ liệu và sẽ giúp bạn có cảm nhận sâu sắc về thị trường.

  • H. Bỏ qua phân tích kỹ thuật

Mọi người hay nói những thứ như là: ngưỡng kháng cự ở mức 12 đô la/cổ phiếu, nếu chạm ngưỡng kháng cự thì nó sẽ bật lên. Nhưng nếu không thì nó có thể về ngưỡng kháng cự 6 đô la.

Nói cách khác: giá cổ phiếu có thể tăng hoặc giảm.

Tôi đã thử mọi lý thuyết phân tích kỹ thuật. Chả có tác dụng gì.

  • I. Đừng đọc tin tức

Vào thời điểm một bài báo được đăng lên Nhật báo phố Wall hay CNBC thì bạn là NĐT cuối cùng biết được tin đó.

  • J. Hiểu các chỉ số cơ bản

P/E, giá trị sổ sách, P/S, % cổ phiếu đang lưu hành, thu nhập/ nợ, tiền gửi ngân hàng…

  • K. Luôn hỏi: Lợi thế của mình là gì?

Bạn không có lợi thế.

Bạn nghĩ rằng Iphone rất tuyệt và mua cổ phiếu Apple, bạn nghĩ rằng mình có lợi thế hơn hàng trăm quỹ đầu tư đã nghiên cứu mọi loại điện thoại trên thị trường, đã tìm ra mọi chi tiết của 5 chiếc điện thoại tiếp theo sắp ra mắt…sao?

Bạn có thể may mắn. Hoặc không.

Hầu hết các NĐT rất khó tìm được lợi thế. Warren Buffett có được bằng cách thực hiện các giao dịch trực tiếp với các công ty. Các quỹ lớn có được bằng cách thực hiện một số hình thức giao dịch nội gián.

Hàng tỷ đô la được sử dụng mỗi ngày để thao túng thị trường một cách tinh vi mà cơ quan quản lý không hề hay biết. Bạn không có lợi thế hơn những người đó.

Vậy bạn có thể có gì?

  • L. Nghiên cứu các chứng khoán sụt giảm.

Nếu một công ty không đạt mức thu nhập 2 xu, thông thường NĐT nhỏ lẻ sợ hãi và giá cổ phiếu giảm.

Câu hỏi là: giá có giảm một cách phi lý không? Đây là một trong số ít lần bạn có thể có được lợi thế.

Lưu ý hầu hết các chứng khoán sụp đổ vì có lý do hợp lý.

  • M. Tập trung vào chứng khoán vốn hóa vừa và nhỏ

Những cổ phiếu có giá dưới 1 tỷ đô la thường bị tin tức phớt lờ, ngân hàng bỏ qua và quá nhỏ để các quỹ lớn bỏ công nghiên cứu.

Chúng cũng không nằm trong danh mục chỉ số lớn mà các quỹ theo dõi.

Lưu ý: Warren Buffett đã kiếm được 1 triệu đô la đầu tiên bằng cách đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ (hãy tìm từ khóa “cigar butt stocks”).

Vấn đề ở chỗ có khá nhiều cổ phiếu loại này là scam (lừa đảo) hoặc nằm trong số các ngành không được NĐT quan tâm.

Vì vậy hãy vận dụng định luật Moore để tìm các ngành đang phát triển và cổ phiếu tiềm năng, tìm hiểu kỹ càng tránh bị lừa.

Thậm chí chỉ cần One Red Flag (CEO từng làm việc cho một công ty khác đã sụp đổ) cũng đủ để “Không đầu tư”. No Red Flag.

Bạn có thể có lợi thế với những cổ phiếu nhỏ nhưng cũng vẫn khá khó khăn.

  • N. Quỹ đầu tư dạng đóng (CLOSED END FUNDS)

Tương tự như quỹ tương hỗ nhưng chứng chỉ quỹ được giao dịch như cổ phiếu. Hãy tìm các quỹ đóng đang giao dịch dưới giá trị gia tăng của tất cả tài sản trong quỹ.

Ví dụ: một quỹ đóng có thể có số cổ phiếu trị giá 100 đô la nhưng đang giao dịch với giá 90 đô la. Nghĩa là bạn có thể mua lại toàn bộ công ty với giá 90 đô la và bán thanh lý 100 đô la ăn chênh lệch.

Tại sao quỹ đóng làm vậy? Tìm hiểu đi.

Thông thường có lý do hợp lý khi họ giao dịch mức giá thấp hơn như thế nhưng khá an toàn và cổ tức tốt.

  • O. Một quy tắc quan trọng mà không phải ai cũng biết : Càng đầu tư ít vào một công ty, bạn càng kiếm được nhiều tiền.

Nghe sai sai nhỉ, và không đúng với tất cả mọi người.

Với tôi, nếu tôi bỏ phần lớn giá trị tài sản ròng của mình vào một công ty, tôi sẽ bị ám ảnh bởi nó.

Tôi không thể ngủ được.

Và tôi sẽ bán ngay khi có lãi hợp lý (hoặc lỗ).

Nếu đầu tư số lượng nhỏ và cổ phiếu bắt đầu tăng thì tôi sẵn sàng nắm giữ lâu và sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.

Chuyện này lặp lại nhiều lần rồi.

Tôi có huông chỉ dành 1-2% giá trị tài sản ròng của mình vào bất kỳ khoản đầu tư nào.

  • P. Công ty chưa niêm yết thường “ngon” hơn công ty đại chúng

Các công ty chỉ lên sàn khi NĐT lớn không còn muốn bỏ tiền vào. Thực tế thì do NĐT mạo hiểm muốn thoái vốn nên họ buộc phải lên sàn.

“Đại chúng” thường được xem như những NĐT yếu nhất.

Đây là lý do tại sao các NĐT ban đầu của Uber đã kiếm được hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đô la nhưng những người mua khi nó lên sàn hiện lại đang thua lỗ.

Làm sao để tìm thấy các công ty chưa niêm yết tốt? May mắn là ngày càng có nhiều công ty như vậy trên các trang gây quỹ cộng đồng như AngelList and Republic.

  • Q. Một số công ty đại chúng nhỏ cũng “ngon” như công ty chưa niêm yết.
  • R. Lợi dụng NĐT lớn (Piggyback the great investors)

Lựa chọn 20 NĐT yêu thích rồi xem xem họ đang mua cổ phiếu nào. Nếu bạn có thể mua với mức giá tương tự hoặc thấp hơn thì ổn áp đấy.

Kiểu như nếu Warren Buffett tự nhiên mua cổ phiếu IBM thì đó có thể là 1 giao dịch ngon ăn ở mức giá đó. Buffett có xu hướng nắm giữ lâu dài nên bạn có thể kiếm lời sớm hơn.

  • S. Checklist

– CEO đã xây dựng và bán một công ty trước đây

– Các NĐT tốt khác đầu tư vào công ty

– Công ty không cần huy động vốn trong thời gian dài

Danh sách kiểm tra này dùng được cho cả công ty đại chúng và chưa niêm yết. Đối với loại sau thì thêm 1 mục nữa: Họ có khách hàng nào không?

  • T. Luôn tự hỏi: Tại sao là mình? (Why me?)

Nếu bạn cảm thấy bạn tìm được 1 cơ hội đầu tư tốt thì hãy luôn tự hỏi: tại sao?

Chả có ai thật lòng khi nói: Tôi muốn giúp anh trở nên giàu có.

Nếu thực sự là cơ hội tốt thì người ta đã hốt hết trước khi bạn biết rồi. Thế nên hãy tìm lý do tại sao bạn có lợi thế hơn những người khác. Hãy trung thực tuyệt đối với bản thân hoặc bị mất tiền.

Thành thật mà nói thì những khoản đầu tư tốt nhất của tôi là do đi theo những người bạn tốt, những nhà đầu tư giỏi.

Không nhất thiết bạn cũng giống như vậy, có thể lợi thế của bạn là tìm hiểu nhiều hơn ở lĩnh vực ít được biết đến. Hoặc một công ty quá nhỏ nên chưa được quan tâm nhiều. Hoặc bạn vẫn còn tiền mặt trong ngân hàng khi thị trường sụp đổ…

  • U. Đa dạng hóa danh mục không như những gì bạn nghĩ

Đa dạng hóa thời 1.0: mua Exxon và Microsoft. Một là dầu, hai là công nghệ. Bây giờ 2 cổ phiếu đó không còn “đa dạng” nữa, đa số các cổ phiếu lớn đều tăng/giảm cùng nhau.

Đa dạng hóa thời 2.0: mua trái phiếu và cổ phiếu. Bây giờ điều này cũng không đúng, trái phiếu và cổ phiếu có xu hướng tăng/giảm như nhau.

Đa dạng hóa là sử dụng nhiều chiến lược độc lập với nhau và không phụ thuộc vào nền kinh tế.

Ví dụ cho đa dạng hóa danh mục:

– Một vài công ty chưa niêm yết

– Một số quỹ đóng tập trung vào trái phiếu đô thị (municipal bonds)

– Cổ phiếu vốn hóa nhỏ độc lập với nền kinh tế và với cổ phiếu khác

– Bất động sản ở nước ngoài với tốc độ tăng trưởng GDP tốt mà giá nhà đất chưa bắt kịp

– Chênh lệch giá

– Cho vay ngang hàng

– Chênh lệch thống kê

– Bán cổ phiếu giá trị

– Một số đầu tư tăng trưởng khác

– Đầu tư vào rổ cổ phiếu của các NĐT lớn khác

– Trường hợp đặc biệt

Lưu ý rằng tôi không đưa Apple hay Google hay bất kỳ cổ phiếu lớn nào vào danh sách. NĐT bình thường không có lợi thế với các cổ đó.

Luôn cố gắng để có 1 lợi thế.

  • V. Đừng giao dịch trong ngày (daytrading)

Daytrading chủ yếu dành cho những kẻ ngốc.

Có hàng triệu thuật toán hoạt động mỗi ngày trên thị trường. Làm sao bạn hơn họ được?

Có những chiến lược hiệu quả nhưng đó là công việc mà họ dành toàn thời gian để thực hiện, bạn phải biết về chúng và nghiên cứu nghiêm túc thì may ra.

  • W. SIT ON YOUR HANDS

Một số người “cắt lỗ”, nghĩa là họ mua 1 cổ phiếu ở mức 20, nhưng có thể bán ở mức 16 để giảm lỗ.

Đừng làm vậy.

Tôi đã thử nghiệm mọi chiến lược bằng phần mềm tôi viết. Trong mọi trường hợp thì việc sử dụng lệnh cắt lỗ sẽ kiếm được ít hơn trong dài hạn.

Chìa khóa để “khoanh tay đứng nhìn” là chỉ đầu tư số lượng nhỏ.

Con đường dẫn đến thịnh vượng là có những khoản đầu tư tốt tăng trưởng lớn.

Cố phiếu tốt nhất của tôi được mua với giá 10 xu với khối lượng nhỏ, hiện giờ nó có giá 6 đô la. Nếu mua nhiều hơn thì có lẽ tôi đã bán khi giá 20 xu hoặc bán khi nó giảm từ 10 đô la về 3 đô la trước khi tăng trở lại mức 6 đô la.

Tôi đặt ra “điểm dừng câu chuyện” cho các khoản đầu tư của mình. Tôi mua vì thích câu chuyện, nếu câu chuyện thay đổi, tôi bán. Ví dụ, nếu tôi mua vì Warren Buffett vừa mua thì tôi sẽ mua cho tới khi ông ấy bán. Nếu tôi mua một cổ phiếu genomic vì nghĩ rằng genomic đang lên thì tôi sẽ bán nếu chúng thất bại trong các cuộc thử nghiệm của FDA.

  • X. Thời gian nắm giữ trung bình là thời gian dài

Buffett nói rằng thời gian nắm giữ trung bình là mãi mãi. Ông ấy nói dối đấy, ông ấy sợ các NĐT nhỏ lẻ sẽ kiếm lời nhanh hơn.

Nhưng đa số các công ty tôi mua tôi sẽ giữ từ 5-15 năm. Hiện giờ có mấy khoản từ năm 2009.

Người ta hay bảo đầu tư giống như canh bạc. Nhưng thời gian bạn nắm giữ càng lâu thì càng ít giống canh bạc và cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ.

Sẽ mất thời gian dài để một doanh nghiệp nhỏ trong một ngành nhỏ nhưng phát triển nhanh có thể phát huy hết tiềm năng của nó.

Ngoài ra, nếu một công ty đang tăng trưởng từ 20-50% mỗi năm trở lên thì bạn đi đâu kiếm được mức lợi tức tốt như vậy nữa? Giữ hàng đi. Đừng vội chốt lời.

Một lần nữa, đây là lý do tôi giữ khối lượng ban đầu ở mức thấp và không bao giờ tăng gấp đôi.

  • Y. Giữ tiền mặt chủ yếu

Tôi đã đề cập phía trên là tôi kiếm được lãi khoảng 70% mỗi năm hoặc hơn.

Đấy chỉ là trên số tiền tôi đã đầu tư. Tôi khởi đầu với số tiền nhỏ và giữ hầu hết danh mục bằng tiền mặt.

Phần lớn tài sản ròng bằng tiền mặt. Điều này cho phép tôi ngủ ngon mỗi đêm, không hoảng loạn với các khoản đầu tư mỗi ngày và cho phép rót vốn ngay khi có cơ hội tốt.

Cơ hội ngon ăn chỉ xuất hiện trung bình 2 – 3 lần mỗi năm.

Vậy nên trong 12 năm qua, tính cả mấy lần thoái vốn thì tôi tham gia khoảng 20 khoản đầu tư.

  • Z. Rủi ro và lợi nhuận

I. Tôi đầu tư chủ yếu vào 2 loại cơ hội:

1. An toàn

Ví dụ 1: Một quỹ đóng chủ yếu đầu tư vào trái phiếu đô thị và có cổ tức miễn thuế 6% được giao dịch với mức chiết khấu cao hơn mức trung bình với giá trị tài sản ròng của nó. Tôi có thể kỳ vọng kiếm được 10-15% mỗi năm với 1 cổ phiếu như thế này, ít nhất cũng nhận được khoản cổ tức hấp dẫn.

Ví dụ 2: Đầu tư vào 1 công ty chưa niêm yết với mức giá chiết khấu tốt so với các công ty tương tự, và cũng thỏa mãn các mục khác trong checklist của tôi. Một vài khoản đầu tư an toàn nhất là tôi mua cổ phần từ các cổ đông khác được chiết khấu đáng kể so với các NĐT mạo hiểm.

2. Rủi ro cao, lợi nhuận lớn

Tôi ưa thích đầu tư vào những công ty mà tôi nghĩ sẽ kiếm được ít nhất 1000% hoặc cao hơn. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng đây là lý do vì sao tôi chỉ thực hiện 1-2 lần mỗi năm.

Đó là lý do tôi không mua cổ phiếu Google. Có lẽ nó tăng trưởng cao hơn 1 chút so với thị trường. Khoảng 20-30% mỗi năm trong vài năm.

Nhưng nó cũng có thể sụt giảm rất nhiều.

  • Z. Đọc tài liệu tham khảo

Đây là vài cuốn sách bạn có thể đọc để hiểu biết cơ bản về hầu hết những điều trên.

  • Buffett, Roger Lowenstein
  • My Story, Bernard Baruch
  • The Money Game, Adam Smith
  • You can be a stock market genius, Joel Greenblatt
  • The Big Short, Michael Lewis (Bán khống)
  • The Man Who Solved the Market, Greg Zuckerman (Người giải mã thị trường tài chính)
  • The Rational Optimist, Matt Ridley
  • Hacking Darwin, Jamie Metzl
  • Fooled Randomness, Nassim Taleb (Trò đùa của sự ngẫu nhiên)
  • Tools of the Titans, Tim Ferriss (Công cụ của những người khổng lồ)
  • Sapiens, Yuval Harari (Lược sử loài người)
  • A Man for All Markets, Ed Thorp (Người đàn ông đánh bại mọi thị trường)
  • Famous First Bubbles, Peter Garber
  • Confessions of a Street Addict, Jim Cramer
  • Essays of Warren Buffett, Lawrence Cunningham

Đây chỉ là khởi đầu, nhưng là khởi đầu không tệ.

You may also like

Leave a Comment