Ngày nay, trong xã hội Nhật Bản đang dần hình thành một thế hệ “Fictosexual” – từ chỉ những người vô tính chỉ thu hút bởi những nhân vật giả tưởng. Thay vì mệt mỏi, lo lắng để tìm bạn đời đích thực, xác định mối quan hệ yêu đương tiến tới hôn nhân thì nhiều bạn trẻ đã nguyện dâng hiến trái tim cho các nhân vật ảo thuộc thế giới 2D. Họ gọi những nhân vật ấy là Husbando hay Waifu.
Trong cộng đồng Otaku – hội tín đồ của anime và manga thì thuật ngữ Husbando hay Waifu đã trở nên quen thuộc. Đó là tên gọi “chồng 2D” và “vợ 2D”.
Waifu – “người vợ trong mơ”
Waifu là một cách đọc từ “Wife” trong tiếng Anh của người Nhật. Waifu có nghĩa là “vợ ảo”, gồm những cô gái hoàn hảo xuất hiện trong các bộ phim hoạt hình hoặc truyện tranh mà bạn đặc biệt yêu thích đến độ muốn cưới làm vợ.
Từ Waifu đã xuất hiện từ thập niên 80 thế kỷ 20. Nhưng phải đến năm 2002, thuật ngữ này mới bắt đầu phổ biến, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Otaku.
Hồi ấy, trong anime Azumanga Daioh phát sóng vào năm 2002 có một đoạn thoại giữa thầy giáo và các học sinh, người thầy đã trả lời người phụ nữ trong ảnh mà học sinh tìm thấy là “vợ tôi” (my wife) bằng tiếng Anh nhưng phát âm theo kiểu Nhật nên thành “mai waifu”.
Kể từ đây Waifu dùng để chỉ nhân vật mà các Otaku yêu thích, xem là vợ. Vào năm 2007, thuật ngữ này xuất hiện trên từ điển tiếng lóng Urban Dictionary. Sau này, Waifu không chỉ sử dụng trong cộng đồng fan manga và anime mà còn cho các các nhân vật trong trò chơi điện tử nữa.
Mỗi người thường có một Waifu dành riêng cho mình và có tình cảm sâu sắc với niềm đam mê cuồng nhiệt, thật sự muốn cưới nhân vật nữ ấy làm vợ. Các Otaku đề cao sự chung thủy và chỉ yêu thích một Waifu duy nhất.
Tuy nhiên vì Waifu là “vợ ảo”, lại không bị ràng buộc bởi các quy tắc đạo đức hay quy định của pháp luật thế nên cũng có trường hợp nhiều người đã thay đổi “vợ yêu” theo sở thích của mỗi cá nhân. Trường hợp này gọi là Seasonal Waifu, nghĩa là “Waifu theo mùa”, chỉ việc một fan thay đổi “vợ 2D” theo thời gian, nay có “cô vợ này” mai lại thay “vợ khác”. Ngoài ra thì cũng có nhiều fan có chung “một vợ”, nghĩa là một nhân vật nữ được nhiều Otaku yêu thích và gọi là vợ.
Theo thống kê của skdesu thì những nhân vật nữ sở hữu “hậu cung” đông đảo với số lượng chồng đông đúc là:
• Mio Akiyama from the anime K-On!
• Nao Tomori – Charlotte
• Konata Izumi – Lucky ☆ Star
• Hinata Hyuuga – Naruto: Shippuuden
• Ranka Lee – Macross Frontier
• Asuna – Sword Art Online
• Kaname Chidori – Fullmetal Panic!
• Asuka Langley Souryuu – Neon Genesis Evangelion
• Yuki Nagato – Suzumiya Haruhi no Yuuutsu
• Kallen Stadtfeld / Kouzuki – Code Geass
• Yoko Littner – Gurren Lagann
• Winry Rockbell – Fullmetal Alchemist
• Makise Kurisu – Steins; Gate
• Saber – Fate / Zero
Husbando – “người chồng quốc dân”
Husbando là “ chồng ảo”, “chồng 2D”, được dùng để chỉ tình cảm của các Otaku nữ dành cho nhân vật nam yêu thích của họ.
Husbando không có nguồn gốc chính xác như Waifu. Có giả thuyết cho rằng từ này ra đời do cách phát âm tiếng Anh của người Nhật khi husband (chồng) thêm vần “o” vào nên đọc thành husbando.
Không có tiêu chuẩn để chọn ra Husbando, mỗi fan nữ sẽ có riêng một “anh chồng” cho bản thân tùy theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên có điểm đặc biệt, tạo hình của Husbando là điểm thu hút lớn nhất, sau đó đến tính cách và số phận của mỗi nhân vật. “Anh chồng” nào mà có vẻ ngoài càng điển trai, quyến rũ thì sẽ thu hút nhiều cô vợ u mê không lối thoát.
Theo skdesu, những nhân vật nam “hot nhất”, sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, được gọi là “chồng” nhiều nhất trong cộng đồng Otaku là:
• Tamaki Suoh – Ouran high school Host club
• Zenitsu Agatsuma – Demon Slayer
• Benedict Blues – Violet Evergarden
• Kageyama Tobio – Haikyuu
• Sugawara Koushi – Haikyuu
• Tomioka Giyuu – Demon Slayer
• Bakugou Katsuki – My Hero Academia
• Levi Ackerman – Attack on Titan
• Todoroki Shoto – My hero academia
Văn hóa thể hiện “tình yêu” với Husbando hay Waifu
Với sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp anime và manga trên khắp thế giới thì “văn hóa yêu” Husbando hay Waifu được thể hiện rất cuồng nhiệt. Các diễn đàn, fanpage, hội nhóm về Husbando và Waifu phát triển rầm rộ trên mạng xã hội với số lượng thành viên đông đảo.
Các anh chị em Otaku tự do thoải mái chia sẻ, bình luận về thông tin, hình ảnh của “chồng” hay “vợ yêu”. Họ sẵn sàng chi tiền để mua các sách báo, ấn phẩm, quần áo, mô hình,… tất cả những gì liên quan đến chồng hay vợ ảo yêu dấu. Đặc biệt, các Otaku thường sở hữu bên mình Dakimakura – loại gối lớn có kích thước bằng cơ thể người in hình Husbando hay Waifu, họ ăn ngủ, sinh hoạt thường ngày cùng chiếc gối yêu dấu.
Bên Nhật còn cung cấp các gói dịch vụ hẹn hò, ăn tối, lễ kỷ niệm với chồng hay vợ 2D tại các cửa hàng, khách sạn. Thậm chí còn tổ chức lễ kết hôn với Husbando hay Waifu, được báo chí truyền thông đưa tin rầm rộ. Như năm 2019, anh Akihiko Kondo đã tuyên bố và làm lễ kết hôn với cô ca sĩ ảo nổi tiếng Hatsune Miku.
Việc thể hiện tình yêu với “bạn đời 2D” hiện là một nét văn hóa đặc sắc của giới Otaku. Và ở thời đại công nghệ phát triển này thì việc tương tác, bộc lộ tình cảm với Husbando hay Waifu ngày càng sống động, chân thật hơn thông qua robot hay trí tuệ nhân tạo.
Với các bạn trẻ ngày nay, đặc biệt là giới Otaku thì “việc yêu” Husbando hay Waifu dần trở thành một lẽ thường tình và được chấp nhận rộng rãi, phổ biến khắp nơi trên thế giới này.
Cre: skdesu, tổng hợp