Không một ai sinh ra đã có phong cách hay tiếng nói riêng cả

by admin

Chúng ta không vừa chui từ bụng mẹ ra mà đã biết mình là ai. Ngay từ thuở ban đầu, ta đã học bằng cách giả vờ làm theo những người hùng của mình. Chúng ta học bằng cách bắt chước.

Chúng ta đang nói về việc thực hành, không phải đạo văn – đạo văn là lấy tác phẩm của người khác và ghi là của mình. Bắt chước là kỹ thuật đảo ngược. Nó giống như việc một người thợ máy tháo tung một chiếc xe ra để xem cách nó hoạt động vậy. 

Chúng ta học viết bằng cách sao chép các ký tự trong bảng chữ cái. Nhạc sĩ học cách chơi nhạc qua việc thực hành tập luyện các thang âm. Họa sĩ thì học vẽ bằng cách chép lại những kiệt tác. 

 

Hãy bắt chước những gì bạn yêu thích. Bắt chước, bắt chước và bắt chước. Ở cuối bản sao chép ấy, bạn sẽ tìm được chính mình. – Yohji Yamamoto. 

 

Hãy nhớ rằng: Đến cả bản nhạc The Beatles cũng từng là một ban nhạc hát lại. Paul McCartney từng nói, “Tôi đã bắt chước nhạc của Buddy Holly, Little Richard, Jerry Lee Lewis, Elvis. Chúng tôi đều đã làm vậy.” McCartney và cộng sự của John Lennon đã trở thành một trong những nhà sáng tác nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng theo như McCartney nhớ lại, họ chỉ bắt đầu sáng tác như một cách “để tránh việc các ban nhạc khác có thể chơi lại bản nhạc của mình.” Như Salvador Dali đã nói, “Những người không muốn bắt chước bất kỳ thứ gì, sẽ chẳng tạo nên thứ gì cả.”

Đầu tiên, bạn phải tìm ra bạn muốn bắt chước ai. Thứ hai bạn phải tìm ra mình muốn bắt chước thứ gì. 

Tìm ra người để bắt chước thì rất dễ. Bạn bắt chước những người hùng của mình – những người bạn yêu mến, những người truyền cho bạn cảm hứng, những người bạn muốn trở thành. Nhà sáng tác nhạc Nick Lowe nói rằng: 

“Bạn bắt đầu bằng cách viết lại catalog của người hùng của bạn. Và đừng “đánh cắp” từ một trong số họ, hãy “đánh cắp” của tất cả bọn họ.” Nhà viết kịch Wilson Mizner từng nói nếu bạn sao chép từ một tác giả, đó là đạo văn, nhưng nếu bạn sao chép từ nhiều người, đó là sự nghiên cứu. Tôi từng nghe nhà làm phim hoạt hình Gary Panter nói rằng, “Nếu bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi duy nhất một người, mọi người sẽ nói bạn là “ai đó” tiếp theo, nhưng nếu bạn bắt chước cả trăm người, ai cũng sẽ nói rằng con người bạn thật nguyên gốc!” 

Chọn thứ để sao chép sẽ khó hơn một chút. Đừng chỉ đánh cắp phong cách, hãy đánh cắp lối suy nghĩ đằng sau phong cách đó. Bạn sẽ không muốn chỉ trông giống người hùng của bạn, bạn muốn nghĩ được giống họ. 

Lý do để bạn bắt chước người hùng của bạn và phong cách của họ là vì bạn bằng cách nào đó có thể nhìn vào trong tâm trí họ. Đó mới là thứ bạn muốn hướng đến – để thâm nhập cách họ nhìn thế giới. Nếu bạn chỉ đang mô phỏng bề mặt của sự sáng tạo của ai đó mà không hiểu được chúng bắt nguồn từ đâu, sản phẩm của bạn sẽ chẳng là gì hơn ngoài một bản sao rẻ tiền. 

– Trích dẫn từ cuốn sách: “Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng” –

You may also like

Leave a Comment