Những người con gái trong Ma đạo tổ sư: Ly Diên Tình Tố Miên Thì Hoa Thiến
Đọc Ma đạo tổ sư, rất nhiều người yêu mến sư tỷ Giang Yếm Ly, tỷ ấy còn được fans thân thương gọi là “thần tiên tỷ tỷ” nữa. Không phải vì sư tỷ đẹp tựa thiên tiên, mà vì tấm lòng sư tỷ đẹp quá, vẻ đẹp mãi mãi in dấu trong lòng Tiện, trong lòng Trừng, và những người từng biết tỷ, hiểu tỷ, cho dù tỷ ra đi sớm quá…
Nhân bàn về sư tỷ, ta cũng muốn nhớ lại một lượt những giai nhân xuất hiện trong cuộc đời Tiện, cũng là những vì sao lấp lánh nhất Ma đạo. “Vứt bỏ y bào trả hoàn ân” La Thanh Dương, “Mắt mù nhưng tim không mù, linh đinh tiếng gậy trúc cô đơn” A Thiến, “Cả đời không thẹn với lương tri” Ôn Tình, rồi cả Tàng Sắc, Ngu phu nhân, Kim phu nhân, Mạnh Thi, Thì Hoa nữ, Tần Tố, Giang Yếm Ly… nhờ có họ mới có một Ma đạo muôn vẻ muôn màu đến thế. Một Ma đạo rất đời, cũng rất nhân văn. Đủ để quên đi những đắng cay tàn ác, những vận mệnh trớ trêu, để chỉ nhớ đến thiện niệm ban sơ thuở thiếu thời năm ấy…
Bài này dành cho La Thanh Dương.
- Vứt bỏ y bào trả hoàn ân – La Thanh Dương
Người con gái đến cuối truyện chúng ta mới biết tên thật của nàng, cũng là người có kết cục may mắn nhất trong tất cả những nữ tử đáng được hưởng hạnh phúc của Ma đạo.
La Thanh Dương xuất hiện lần đầu trong trận tàn sát Đồ Lục Huyền Vũ động, khi Kỳ Sơn Ôn thị vẫn còn như mặt trời ban trưa, khi Tiện, Trừng, Hiên, Trạm… còn thuở niên thiếu khinh cuồng.
Sự xuất hiện của nàng khi ấy còn bị nhiều kẻ gay gắt lên án là bánh bèo. Bởi La Thanh Dương, khi ấy gọi là Miên Miên, hãy còn mang tất cả vẻ dịu dàng e ấp của một thiếu nữ tuổi trăng tròn, hai má ửng hồng, ngây thơ khả ái. Vừa nhìn thấy Miên Miên, Tiện lại nổi máu trêu ghẹo hỏi xin túi hương, khiến Trạm (hình như) lần đầu ăn giấm, quạu: “Ngươi nếu không có ý với người ta, đừng đối với người như vậy!”
Nguyên nhân thứ hai, vì cứu Miên Miên mà Tiện hứng trọn bàn là sắt của Kỳ Sơn Ôn thị, cũng từ đó châm lên cái cớ để Ôn Triều tắm máu Liên Hoa Ổ, bức tử Giang gia phu phụ, hại Trừng, Tiện, Yếm Ly tan cửa nát nhà.
Nhưng không phải Miên Miên, thì cũng sẽ có ngày bọn chó Ôn Triều ấy kéo đến thôi. Sớm một ngày, muộn một ngày, không là gì cả.
Sự xuất hiện thoáng qua của Miên Miên có lẽ cũng có thể dừng lại tại ấy, dừng lại trong một ấn tượng vừa đủ về thiếu nữ hai má ửng hồng, về vận mệnh thiếu niên các nhà dưới thời Kỳ Sơn Ôn thị thống trị, mong manh như sợi cây ngọn cỏ.
Nhưng người con gái nhỏ bé, ngây thơ, yếu đuối ấy, lại tỏa sáng hơn hẳn lũ tu giả bất phân thiện ác, miệng hô chính nghĩa nhưng tâm như rắn rết kia nhiều lắm.
Lần thứ hai xuất hiện, Miên Miên trưởng thành.
Một mình nàng thật lòng tin tưởng, một mình nàng dám đứng lên bênh vực ân nhân, dẫu cho thanh âm đơn độc lẻ loi giữa các gia chủ danh sĩ đương thời đương sôi máu đòi luận tội. Cái gọi là “vứt bỏ y bào trả hoàn ân”, chính là ám chỉ lần ấy La Thanh Dương cởi ngoại bào, đoạn tuyệt quan hệ với gia tộc, thà bước lên cầu độc mộc mà đi cũng chẳng muốn ngồi chung bàn với những kẻ mắt mù tim khuyết luôn miệng chửi mắng Tiện.
“Nếu gia văn này sỉ nhục thân phận của ta, chẳng ngại vứt bỏ y bào trả hoàn ân”
Nàng chỉ là một khách khanh khác họ, vất vả lắm mới được khoác gia văn. Thế mà dám vứt bỏ, quay lưng với gia tộc, cũng là công khai đối đầu với gần hết tu chân giới. Quả thực sau này, nàng cũng chỉ độc lai độc vãng, một mình đi săn đêm, âm thầm trừ hại cho thường dân, chẳng phụ thuộc gia tộc nào.
Ba lần xuất hiện trong Ma đạo tổ sư, thế là đã đủ với nàng. Ba thời điểm, từ niên thiếu ngây ngô thành nữ tử trưởng thành, cuối cùng trở thành vợ, thành mẹ, cũng thành tu giả vững vàng bản lĩnh. Ba lần thôi, phục bút của Mặc Hương lúc nào cũng vậy, không cố tình tô vẽ, thậm chí chỉ đôi nét phác qua, nhưng chung cuộc lại tỏa sáng vào một khoảng khắc tuyệt vời như thế.
Người con gái ấy có đầy đủ tư cách nhận trọng lễ của Hàm Quang Quân.
Người con gái ấy đã đủ chứng minh Tiện không cứu nhầm người. Dù rằng cái giá phải trả có đi theo hắn suốt đời suốt kiếp.
Niên thiếu khinh cuồng, vô tư cứu người, với hắn chỉ là tiện tay, hoặc là việc nghĩa là ai cũng sẽ làm như thế. Lại đổi thay vận mệnh của một nữ tử mãi mãi, mới có một tu giả La Thanh Dương của ngày sau.
Có những người như ánh sao, nhìn thấy họ như thấy ánh sáng giữa vô vàn tăm tối.
Cho dù không còn gặp lại nữa, cũng đã trở thành một phần tín ngưỡng, một phần lý tưởng trong lòng vĩnh viễn về sau.