Lá thư “thiêng” của liệt sĩ thành cổ Quảng Trị, tiên đoán được ngày ra đi của mình

by admin

“Quảng Trị, ngày 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau giọt m.áu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.

Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa, để lại cho mẹ biết bao khó nhọc. Nay con đã đến ngày khôn lớn thì… Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em à, chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh. Thật là chỉ vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau.

Anh rất hiểu, biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khoẻ, yêu đời.

Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo những lời anh căn dặn. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được lá thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời em còn trẻ lắm. Theo anh thì em nên làm như vậy.

Nhưng anh chỉ mong một điều, là em đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn, cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời, em sẽ làm đúng nghi lễ của người con dâu. Thôi nhé, anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em.

Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh làm theo lời anh dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày anh đề ở ngoài phong bì (2/1/1973) mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buỗi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em, đừng buồn, khi được sống trong hoà bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hoà bình, có điều kiện vào Nam, hãy mang h.ài c.ốt anh về.

Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó em sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. M.ộ anh ở đó.

Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi.

Anh chị kính mến! Anh em liền từng khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa anh. Ra đi mong anh chị khoẻ mạnh trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn. Song anh chị hãy coi như em đã sống trọn một đời vì chiến tranh tất cả. Anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu, đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình.

Đối với Xơ, anh chị nên động viên tìm đường tương lai vì đời em ấy còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào thị xã Quảng Trị sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã dặn trên. Thôi nhé chào anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị….

Thôi con đi đây, chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.

Con của gia đình

Lê Văn Huỳnh”.

(ST)

You may also like

Leave a Comment