LẠI LÀ CHUYỆN CHIA ĐẤT CÁT

by admin

Bố mẹ mình năm nay ngoài 60, các con thì cũng trên 20, đều ổn định hết rồi. Vừa rồi bố mẹ gọi về quê để chia đất, vì bố mình yếu, chưa biết ra đi khi nào. Còn mẹ thì hiền lành không có chính kiến nên bố sợ anh em sau này tranh giành, nhân lúc còn sống mới toàn quyền quyết định hết.

Nhà mình ở quê nên đất rộng, có 60m đất mặt đường bỏ không. Một lô khác có thì 30m có cả nhà. Nương rẫy thì bố mẹ đã bán từ lâu để tiền ngân hàng vì không ai làm được nữa.

Bố mẹ có 4 đứa con, theo bản tính sòng phẳng không thiên vị của bố, ai cũng nghĩ bố sẽ chia đều. Nhưng cuối cùng, bố lại nói anh cả được 30m đất cộng nhà. Những đứa còn lại mỗi đứa chỉ được 15m đất trống.

Tất nhiên bọn mình đều phản đối, còn anh cả thì ngượng ngùng vì anh không ngờ được chia nhiều như vậy.

Bố mới thủng thẳng nói:

  • Chúng mày có phản đối nữa tao cũng không thay đổi ý định đâu. Tao tự có tính toán của tao hết rồi. Này nhé, để tao nói cho chúng mày nghe. Cái hồi tao cưới mẹ mày, tiền làm đám còn nợ người ta năm phân vàng. Đẻ thằng Minh xong nợ lại càng chồng nợ. Trên xã người ta phát cho cái thuốc tránh thai thế là mẹ mày uống chứ có dám đẻ tiếp đâu. Thằng Trọng (anh Hai mình) là vỡ kế hoạc đấy. Đẻ nó ra tao với mẹ mày khóc không ra nước mắt. Hai người làm còn không đủ ăn, giờ một người làm, lại thêm một miệng ăn thì chỉ có cả nhà ôm nhau nhảy sông chet m cho rồi. Thế mà thằng Minh nó giỏi, hơn 5 tuổi đã biết trông em. Mẹ mày mắn đẻ hay thuốc tránh thai rởm không biết, cứ tù tì đẻ thêm con Trang, thằng Phúc. Nhà mình phải nói là nghèo nhất làng, đi đâu cũng bị người ta chửi đã nghèo còn ham đẻ, mượn có bơ gạo cũng bị người ta nói nặng nói nhẹ.
  • Ba đứa chúng mày một tay thằng Minh chăm cả. Bố mẹ đi cả ngày, lúc nào về cũng cơm ngon canh ngọt đợi sẵn, ba đứa chúng mày thì trắng trẻo sạch sẽ. Thằng Minh nó làm gì có tuổi thơ. Đôi khi còn phải nghỉ cả học để trông em thì lấy đâu thời gian bắn bi, thả diều. Từ lúc nó 5 tuổi cho đến lúc nó 18 tuổi, việc nhà việc cửa đều một tay nó coi sóc. Nếu không có nó, bố mẹ làm gì yên chí làm ăn, làm gì mua được đất, xây được nhà? Chúng mày nhớ xem, có phải chúng mày thân với thằng Minh hơn cả với mẹ mày không? Cái nhà này mà không có nó, anh em chúng mày cũng chẳng nên người đâu. Tuy đất đai vườn tược này không phải nó làm ra, nhưng nó đã giúp bố mẹ, để bố mẹ yên tâm cày cuốc ra. Công nó lớn không thua gì bố mẹ đâu.

Bố mình nói nhiều lắm, kể ra những cực khổ mà anh cả phải chịu trong suốt thời thơ ấu. Mình không ngờ, bố luôn thờ ơ lạnh lùng với con cái, lại ghi nhớ từng việc mà anh cả đã làm. Bố còn chảy nước mắt, nói thương anh như thế nào, con người ta tuổi đó chỉ ăn với chơi, con bố thì đầu tắt mặt tối cả ngày. Nhưng hồi đó nghèo quá, bố mẹ nghèo thì con khổ, quy luật muôn đời rồi.

Một đứa trẻ 6 tuổi đã phải ở nhà giữ một đứa em, 8 tuổi giữ 2 đứa em, 12 tuổi giữ 3 đứa em. Chưa kể việc nhà, chăm lợn, chăm gà. Nếu anh cả không làm những chuyện đó, người làm sẽ là mẹ. Mà nếu mẹ ở nhà làm những chuyện đó, chắc chắn một mình bố không thể đảm đương nổi kinh tế.

Anh cả dường như không có tuổi thơ, cái thời internet phổ cập về làng, bạn bè rủ nhau đi chơi game, đánh chat, anh cả sau giờ học phải chạy về lo cho đám em. Bạn bè rủ nhau đi tắm sông tắm suối, anh cả không dám vì sợ lơ là, đám em ngã sông chết đuối.

Anh cả lương thiện, anh dạy cho bọn mình sự lương thiện đó. Trong trí nhớ của mình, dường như bố mẹ hiếm khi nào răn dạy con cái bất cứ điều gì, trong đầu họ toàn gạo cơm mắm muối, chỉ một tay anh cả dạy. Người ta tốt nghiệp cấp ba xong đều chọn thành phố lớn để học. Anh cả thì chọn một trường nghề trên huyện để tiện đi đi về về chăm sóc em út.

Anh học rất khá, nếu năm đó anh chọn học đại học, có thể tương lai anh phát triển hơn bây giờ.

Ừ, lời bố nói đúng thật. Những năm tháng ấy, nếu không có anh cả chịu thương chịu khó, có lẽ bố mẹ mình không thể nào yên tâm đi sớm về hôm, xây dựng được cơ ngơi như hiện tại. So với bọn mình và bạn bè cùng trang lứa, anh cả đúng là chịu thiệt thòi hơn thật. Vậy mà giờ phút này, bọn mình còn ngồi tranh nhau từng mét đất với anh.

Qua chuyện gia đình, mình rút ra được kết luận là hai chữ “công bằng” nó được xác định bằng nhiều yếu tố lắm. Không phải cứ chia đều cho con cái mới là công bằng, mà đôi khi phải dựa trên quá trình cống hiến mới gọi là công bằng.

Sau đó ba anh em mình vui vẻ nhận 15m đất của bản thân, không còn nhòm ngó ngôi nhà của bố mẹ để lại cho anh cả nữa. Vì anh ấy xứng đáng có được nó.

You may also like

Leave a Comment