Minh hôn hay còn được biết đến với cái tên âm hôn. Đây là một hủ tục đáng sợ của người Trung Quốc. Đám cưới này là hôn lễ của hai người đã khuất, hoặc giữa một người còn sống và một người đã chết.
Đối với những người trẻ ngày nay mà nói, “minh hôn” nghe có vẻ khá lạ lẫm, nhưng với những người lớn tuổi chắc hẳn họ vẫn còn rất nhiều ký ức về tập tục này. Hủ tục này xuất hiện ở Trung Quốc đã rất lâu, từ trước thời nhà Tần, người ta đã bắt đầu truyền bá rộng rãi về phong tục rùng rợn này. Mặc dù không có thông tin về mốc thời gian cụ thể, tuy nhiên theo một vài điển tích kể lại, một người con trai của Tào Tháo tên là Tào Xung không may chết sớm khi chưa lập gia đình. Tào Tháo vì thương con trai nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý, môn đăng hộ đối để kết duyên cùng Tào Xung. Một thời gian sau, hay tin nhà họ Chân có con gái vừa qua đời, Tào Tháo liền tìm đến nói chuyện. Sau đó hai gia đình tổ chức một hôn lễ như bình thường cho hai người con đã mất, sau đó chôn cất Chân tiểu thư cùng chỗ với Tào Xung.
Đám cưới này còn có rất nhiều tên gọi khác nhau ví dụ như âm hôn, quỷ hôn, minh phối, phối cốtNhưng chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là một hôn lễ được tổ chức ở nơi địa phủ âm u đáng sợ.
Trong sử sách của Trung Quốc cũng có nhiều thông tin ghi chép về tập tục minh hôn. Những người đã đến tuổi trưởng thành nhưng lại chết khi chưa kết hôn thì thường trước khi chôn cất gia đình sẽ tổ chức một đám cưới ma cho họ. Vì theo quan điểm của người dân lúc đó, nếu một người chết đi mà không kết hôn thì sẽ rất đáng thương khi không có người đồng hành sau khi ra đi.
Đầu tiên, người Trung Quốc rất xem trọng việc thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa ở giai đoạn đó, các bậc sinh thành vẫn thường quan niệm rằng “con gái không phải con của mình”. Vậy nên nếu con gái chết lúc chưa có chồng sẽ không có ai thờ cúng về sau. Để giải quyết vấn đề này, họ bèn tìm một đối tượng nam độc thân khác cũng đã mất để kết duyên, từ đó về sau việc hương khói của con gái sẽ do bên nhà chồng phụ trách.
Còn với những gia đình giàu có, khi không tìm được mối “duyên âm” nào môn đăng hộ đối, họ sẽ bỏ tiền để “mua” chồng cho con gái. Đó thường sẽ là những nam thanh niên gia cảnh bần cùng khó khăn, vậy nên mới chấp nhận kết hôn với một cô gái đã chết, sau đó đưa bàn thờ cô về nhà thờ cúng. Hoặc cũng có những trường hợp cô gái còn sống kết hôn với anh chồng “ma”. Đây sẽ là những cô gái không lấy được chồng, nên chỉ có thể lấy một anh chồng đã “chết”, sau đó đến nhà chồng chăm lo gia đình bên chồng như bao cô con dâu bình thường khác.
Đặc biệt, những người đã có hôn ước nhưng không may đột ngột qua đời thì cũng phải tổ chức minh hôn, nếu không họ sẽ quay về “quấy nhiễu” gia đình. Hơn nữa, nếu chết khi còn độc thân thì người đó sẽ cô đơn khi qua thế giới bên kia, sau đó họ có thể về “bắt” một người nhà cùng sang cõi âm để có người bầu bạn.
Bên cạnh đó còn có thêm một lí do khác là phong tục ngày xưa của Trung Quốc không cho phép em trai kết hôn trước anh trai. Vậy nên nếu anh trai không may qua đời trước thì phải tổ chức đám cưới ma cho anh trai, sau đó người em mới được phép lấy vợ, từ đó tránh việc người anh “không hài lòng”.
Quy trình và nghi thức âm hôn cũng y hệt như một đám cưới bình thường, chỉ khác ở chỗ quần áo, trang sức, lễ vật đều là đồ vàng mã.
Tuy rằng tổ chức minh hôn là phạm pháp thế nhưng nhiều gia đình khá giả ở nông thôn vẫn chọn cách lén lút mua “vợ ma” cho con trai, những cô gái đã mất nếu càng xinh đẹp thì sẽ có giá càng cao. Từ đó, có nhiều người lợi dụng tình trạng này để đào trộm mồ mả, lấy trộm xác chết đem bán. Vì những mặt xấu mà hủ tục này mang lại nên ngày nay chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để xóa bỏ nó.
MINH HÔN-ĐÁM CƯỚI MA ĐÁNG SỢ Ở TRUNG QUỐC
148