Mẹ tớ không dạy tớ tư duy tiền bạc. Lúc nhỏ, thi thoảng mẹ bảo tớ đi mua cái này cái kia tớ chẳng bao giờ trả giá, người bán nói bao nhiêu sẽ đưa bấy nhiêu. Cho đến bây giờ tớ cũng không có thói quen trả giá khi mua đồ. Vậy nên người ta hay bảo so với các bạn cùng tuổi tớ ngờ nghệch hơn trong chuyện tiền bạc.
Mười lăm tuổi, tớ bắt đầu xa nhà, cũng là lúc tớ bắt đầu học cách xử lý một khoản tiền. Không giống như trước đây chỉ cầm một ít tiền để mua vài thứ, lúc ấy tớ bắt đầu học cách chia tiền cho từng món đồ sao cho đủ dùng trong một tuần hoặc lâu hơn.
Ngay từ tuần xa nhà đầu tiên cho đến tận bây giờ, trong túi tớ luôn có một khoản tiền để riêng. Năm cấp ba đó là hai mươi lăm nghìn, còn đại học là một trăm nghìn. Bạn biết những con số này có ý nghĩa gì không? Đó là tiền vé xe tối thiểu để tớ trở về nhà. Bảy năm xa nhà, tớ luôn để cho mình một đường lui.
Gần đây tớ có đọc được một câu hỏi: nếu ngày mai không bao giờ tới bạn sẽ làm gì với toàn bộ số tiền mà mình có? Trong đầu tớ chỉ có duy nhất một câu trả lời: Về nhà.
Có lẽ đối với một người đi xa như tớ, nhà luôn là trốn trở về. Mọi chốn đã, đang và sẽ đến đều là trạm dừng chân, chỉ có nơi ấm áp trái tim luôn hướng về mới là điểm cuối. Nơi ấy cho tớ những khoảng thời gian được là chính mình, có thể thoải mái dùng tay ăn thịt gà, dùng chân nhấn nút chuyển kênh trên điều khiển tivi… Nơi ấy có những người, những tình cảm đáng giá đến mức tớ sẵn sàng tiêu số tiền cuối cùng.
Còn bạn thì sao, nếu chỉ có một cơ hội cuối cùng để tiêu tiền bạn sẽ dùng chúng vào việc gì?
—
ảnh: Canva