NGỘ NHẬN VỀ LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC (TRIỀU TIÊN).

by admin

Ở đây chỉ nói về lịch sử văn hóa phong kiến của dân tộc Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên, ngày nay gồm 2 nước Triều Tiên, Hàn Quốc
Hôm qua, bạn Duy Phương có đăng 1 bài về việc người nước ngoài nói gì về lịch sử Việt Nam. Trước hết mình xin ghi nhận công sức của bạn đã giúp mọi người tự hào về lịch sử nước nhà, NHƯNG mình lại kịch liệt phê bình sự định hướng trong việc dịch bài, dịch sai ý người viết và cố ý xuyên tạc để kích động sự thù địch, đồng thời thiếu tôn trọng đối với người trong ảnh dưới đây.
Rõ ràng việc lên án các tội ác của Hàn Quốc với Việt Nam trong quá khứ là điều hoàn toàn đúng đắn, nhưng phải đúng người đúng tội. Bạn trong ảnh dưới đây đâu phải lính Hàn sang Việt Nam thảm sát dân Việt, cũng không tỏ ra sự thượng đẳng, sao phải đổ lên đầu bạn đấy hàng đống comment toxic nhỉ? Bạn đấy có cà khịa gì Việt Nam đâu mà bạn tác giả phải lôi sự đau thương mất mát của dân tộc bạn đấy ra để trêu đùa?
Nếu bạn nào lấy cớ rằng vì bạn đó nói “văn hóa lịch sử Việt nam và Hàn Quốc có điểm tương đồng” là sai, vậy thì chính các bạn mới là sai. Dưới đây là những ngộ nhận mà các bạn cmt trong post đó đang mắc phải:
Thứ nhất, khẳng định rằng Việt Nam và Hàn Quốc không giống nhau về mặt lịch sử và văn hóa:
Đầu tiên, hãy phân tích câu chữ, bạn Hàn Quốc trong ảnh không hề nói Việt Nam và Hàn Quốc “giống nhau hoàn toàn”, bạn đó nói:
”Về mặt địa lý, Việt Nam thuộc Đông Nam Á, nhưng về mặt lịch sử và văn hóa thì lại gần gũi với nhóm Đông Á”. Đặc biệt, lịch sử Việt Nam có vẻ có sự giống nhau (similar) so với Hàn Quốc, nên rất thân thuộc”
Chúng ta nên phân tích từ trong nguyên văn chứ không nên phân tích bản dịch tiếng Việt. Bạn ấy dùng từ “similar”, theo từ điển tiếng Anh, similar được định nghĩa “resembling without being identical.”, nghĩa là có điểm tương đồng nhưng không giống nhau hoàn toàn. Hàn và Việt là 2 nước khác nhau, lịch sử văn hóa tất yếu sẽ có chỗ khác nhau, nhưng phủ nhận sự giống nhau trong lịch sử văn hóa 2 nước chẳng khác gì phủ nhận rằng “một cộng một không phải là hai” cả.
Giống nhau về mặt văn hóa:
Đầu tiên, Việt Nam và Hàn đều là các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hán. 2 nước đã tiếp thu văn hóa Hán từ Trung Quốc trong suốt thời phong kiến. Trong hầu hết thời phong kiến, cả 2 nước đều sử dụng chữ Hán, đều có tư tưởng Nho Giáo, nghi lễ của hoàng gia đều theo nghi lễ của Trung Quốc.
Bạn nào bảo tiến trình lịch sử k có gì giống nhau, nhưng nếu nghiên cứu thì sẽ thấy 2 bên đều có sự chuyển biến về văn hóa ở cùng thời kỳ. Trước thế kỷ 14, cả 2 nước đều chưa chịu ảnh hưởng của Nho Giáo một cách hoàn toàn, mà Phật Giáo vẫn còn thịnh, nhưng từ thế kỷ 14 về sau, 2 nước đều xảy ra tình trạng “Sùng Nho Ức Phật”, các triều đại thời này về sau đều tôn sùng Nho Giáo, đả kích Phật Giáo.
Hai nước cũng phát triển văn hóa riêng sau khi tiếp thu văn hóa Hán. Mình chỉ lấy riêng về mặt văn tự. Việt Nam phát triển chữ Nôm, Hàn phát triển chữ Hangeul.
Về mặt lịch sử:
Cả 2 đều ở cạnh Trung Quốc từ xưa, đều áp dụng phương pháp ngoại giao giống nhau (cùng là chư hầu của Trung Quốc), cùng cống nạp cho Trung Quốc thường xuyên xuyên suốt lịch sử. Cả 2 cũng nhiều lần đối đầu với Trung Quốc, thắng có, thua cũng có.
Việt Nam không phải lúc nào cũng thắng TQ, chúng ta đã thua nhà Hán, nhà Ngô, nhà Tùy, nhà Đường, nhà Minh, từng bị nhà Tấn, Tống (Lưu Tống), Tề, Lương đô hộ. Nếu nói Việt Nam toàn thắng TQ thôi, vậy chẳng nhẽ những thời kỳ trên không phải là lịch sử Việt Nam?
Hàn có thua Trung Quốc trong suốt lịch sử không? Họ từng bị nhà Hán, Tùy, Đường, Thanh xâm lược. Và họ thua nhà Hán và nhà Thanh, còn lại: họ giành độc lập từ nhà Hán 3 lần đánh thắng nhà Tùy, đánh đuổi quân Đường ra khỏi bán đảo. Sự tương đồng là cả 2 đều từng chiến thắng, và từng thất bại trong việc chống quân xâm lược Trung Quốc.
Thứ hai, chỉ có vua Hàn từng quỳ Trung Quốc, còn vua Việt Nam thì không:
Các sách lịch sử phong kiến Việt Nam chưa bao giờ khẳng định 100% vua Việt Nam không phải quỳ khi đón tiếp sứ giả Trung Quốc cả. Chỉ có vua Lê Hoàn, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông được ghi lại trong sử sách là từ chối được nghi lễ này.
Ở thời Lý, Trần về trước, nghi lễ đón tiếp còn sơ khai, nhưng từ thời Lê, quy tắc đã được đặt ra rõ ràng, chi tiết. Trong rất nhiều quy tắc, có 1 điều khoản là vua nhà Lê khi đón nhận sắc phong của nhà Minh phải mặc trang phục của chư hầu, vua Việt Nam phải quay về phía Bắc (phía Trung Quốc), 5 lạy 3 vái. Sau đó vua và sứ TQ cùng lạy nhau 2 lạy.
Trong sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, vua Lê Thánh Tông là người đã thực hiện đầy đủ, sau khi bị sứ Trung Quốc là Tiền Phổ bắt ép liên tục vào năm 1462. Phan Huy Chú đã nói:
“..nước ta thù ứng, nghi thức phẩm vật cái gì cũng đầy đủ, đủ làm cho người Trung Quốc phải khen ngợi, kính trọng. Nay chép cả những thư từ đi lại để biết rõ văn minh của thời ấy cũng thịnh.” (LTHCLC, quyển 2, phần Bang Giao Chí, tr624)
Đến thời Lê Trung Hưng, nhà Thanh diệt nhà Minh, nghi lễ thay đổi, vua chư hầu phải 3 lần quỳ 9 lần vái. Chúng ta đã quen thuộc và hả hê khi biết vua Triều Tiên Nhân Tổ phải quỳ nhà Thanh năm 1636, nhưng lại không biết rằng năm 1728, vua Lê Dụ Tông cũng phải thực hiện nghi lễ này khi đón tiếp nhà Thanh:
“Về nghi lễ tiếp nhận sắc văn của vua nhà Thanh, Dịch Lộc (sứ nhà Thanh) lại yêu cầu cử hành nghi lễ ba lần quỳ chín lần vái , triều đình (nhà Lê) cũng miễn cưỡng nghe theo.”
(Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tr809).
Thứ ba, chỉ có vua Việt Nam từng xưng Đế, còn vua Hàn thì không:
Dẫn chứng thì nhiều, nhưng để giữ cho bài không miên man mình xin lấy những cái tiêu biểu nhất:
Đầu tiên, trong lịch sử Hàn Quốc, đã có nhiều lần vua của Hàn xưng là hoàng đế trong nước. Vua Cao Câu Ly Quảng Khai Thổ tự xưng là Thái Vương (ngang với hoàng đế), tự đặt niên hiệu Vĩnh Nhạc, rồi sau đó làm trùm cả khu vực Đông Bắc Á. Vua Hàn thời Cao Ly, cũng từng là hoàng đế, từng theo nghi lễ của hoàng đế, việc này duy trì từ năm 918 cho đến khi bị Mông Cổ xâm lược.
1) Một là vua của họ xưng là Trẫm (Chỉ có hoàng đế được xưng Trẫm):
“Trẫm nghe rằng, sở dĩ quẻ Khôn Nguyên trong Chu Dịch được ca ngợi là vì nó phù hợp với đạo của Càn Khôn”
(Nguyên văn:” 朕聞易贊坤元, 所以配乾剛之道”, Cao Ly Sử, quyển 88)
2) Quan lại gọi vua là bệ hạ (Vương thì gọi là điện hạ):
“Cúi nghĩ đến thánh thượng bệ hạ..” (伏望聖上陛下, Tiến Tam Quốc Sử Ký Biểu, Kim Busik)
3) vua thời kỳ Cao Ly mặc hoàng bào giống hoàng đế Trung Quốc:
“Cao Ly Vương, thường phục đầu đội mũ Ô Sa, mặc áo màu vàng nhạt, cổ tay nhỏ”
(nguyên văn:“高麗王, 常服烏紗高帽, 窄緗袍”, trích sách Cao Ly Đồ Kinh, ghi chép của sứ giả nhà Tống khi sang Cao Ly).
4) tự xưng là thiên tử (Chỉ có hoàng đế được xưng thiên tử):
“Thời Cao Ly, vua tự xưng là Hải Đông Thiên Tử…”
(Nguyên văn:” 高麗之時, 僭稱海東天子”, Triều Tiên Vương Triều Thực Lục, Thế Tông năm 22)
Thứ bốn, chỉ có dân Việt đánh nhau với Trung Quốc, còn dân tộc Hàn thì không:
Hay là biến thể: “dân Việt anh dũng chống quân Trung Quốc, còn Hàn thì hèn nhát cúi đầu”.
Cả dân Hàn và Việt đều đánh nhau với Trung Quốc từ thuở cách đây hai nghìn năm. Người Việt đánh nhau với nhà Hán thì người Hàn cũng đánh nhau với nhà Hán, người Việt đánh nhà Đường thì người Hàn cũng đánh nhà Đường, người Việt đánh nhà Tùy thì Hàn cũng đánh nhà Tùy, người Việt đánh nhà Nguyên thì người Hàn cũng đánh nhà Nguyên, người Việt đánh nhà Thanh thì người Hàn cũng đánh nhà Thanh.
Nếu chỉ quy vào sự kiện”vua Triều Tiên Nhân Tổ đầu hàng nhà Thanh” vào toàn bộ lịch sử Hàn xong bảo lịch sử nước đấy hèn thì chẳng khác gì người nước ngoài thấy Lý Phật Tử đầu hàng quân Tùy xong bảo “ui lịch sử Việt Nam hèn thế”, vì nó rất vớ vẩn.
Những người nói dân Hàn chỉ toàn “cúi đầu”, toàn “thất bại” trước quân xâm lược trong quá khứ chắc chắn chả bao giờ đọc qua tý gì về lịch sử Hàn, nếu có thì chủ yếu là nghe mấy trang tiếng Việt sùng bái dân tộc cực đoan. Bởi vì thực tế:
– Nhà Hán không thể ngăn dân Hàn giành độc lập.
– nhà Tùy từng sụp đổ vì quá đầu tư vào việc đánh Cao Câu Ly (đánh ba lần).
– nhà Đường thất bại trong việc chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.
– Khiết Đan thất bại trong việc xâm chiếm Cao Ly
– Mông Cổ mất 6 lần mới bình định được hẳn nhà Cao Ly.
Dân tộc Hàn cũng từng có những chiến thắng vẻ vang như:
– Trận Tát Thủy (薩水), tướng Ất Chi Văn Đức của Cao Câu Ly dìm chết 35 vạn quân Tùy
– Trận Minh Lương (明朗), 13 thuyền chiến Triều Tiên của Lý Thuấn Thuần chiến thắng 133 chiến thuyền của Nhật Bản
– Trận Quy Châu, Khương Hàm Tán chỉ huy 10 vạn quân Cao Ly chiến thắng 20 vạn quân Khiết Đan
– Vua Quảng Khai Thổ và Trường Thọ Vương của Cao Câu Ly chinh phạt bốn phía, chiếm phần lớn bán đảo Liêu Đông và vùng Mãn Châu.
– Cao Ly Văn Tông chinh phạt các tộc Nữ Chân, xây 9 thành phía Đông Bắc Cao Ly.
Khi nhà Nguyên đòi yêu sách vua phải sang chầu, cả Việt Nam và Cao Ly đều từ chối, khi yêu cầu phải đưa người của hoàng tộc sang nhà Nguyên, cả 2 đều gửi người thân xa, nhà Trần gửi Trần Di Ái, Cao Ly gửi mấy người họ hàng xa sang. Cả 2 đều chống chọi lại khi bị nhà Nguyên xâm lược, Việt Nam chống lại ba lần, Cao Ly chống lại sáu lần, và chỉ sau khi bán đảo Triều Tiên bị cày xới hết, dân tộc Hàn mới chịu đầu hàng
Hoặc dù thần phục nhà Minh, nhưng khi nghe tin Minh Thành Tổ xâm lược nhà Hồ, Triều Tiên Thái Tông đã nói:
“Chẳng may nếu nước ta làm sai nghi lễ, dù là nhỏ nhất thì nhà Minh sẽ ngay lập tức đem quân đến hỏi tội. Ta cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là một mặt chúng ta phụng sự nhà Minh một cách chu đáo, mặt khác chúng ta nên xây dựng thành quách kiên cố và tích cóp quân lương để chuẩn bị”
(Nguyên văn: 如我國少失事大之禮, 必興師問罪。 我則以爲一以至誠事之, 一以固城壘蓄糧餉, 最是今日之急務, Triều Tiên Vương Triều Thực Lục, Thái Tông năm thứ 7).
Thứ năm, chỉ có Hàn từng là chư hầu của Trung Quốc, Việt Nam thì không:
Có hai ngộ nhận ở đây:
Một là: “chư hầu (thời phong kiến) tức là không có độc lập”:
Thực tế thì ngược lại, được Trung Quốc công nhận là chư hầu chính là được TQ công nhận nền độc lập, bởi vì khi công nhận một một nước là chư hầu của Trung Quốc, Trung Quốc coi vị vua và triều đại cai trị nước đó là hợp pháp, “được phép” cai trị độc lập. Có nghĩa là Trung Quốc không thể tự tiên đem quân vào nước này, ngược lại có “nghĩa vụ” bảo vệ triều đại nước đó.
Đây là sắc phong nhà Tống gửi vua Đinh, công nhận nhà Đinh là chư hầu:
“Ta khen ý tốt cho con (Đinh Liễn sang xưng thần, mới cho cha con được chia đất nhận phong, được giữ binh quyền, được thu thuế má” (LTHCLC, trang 535, phần Bang Giao Chí)
Tức là Trung Quốc công nhận nhà Đinh là triều đại hợp pháp, được cai trị tự do, không nội thuộc Trung Quốc.
Việc này có hai điểm lợi và hại:
Hại:
Khi sang xâm lược Việt Nam, các triều đại TQ thường lấy cớ bảo vệ vương triều cũ. Ví dụ như lúc xâm lược nhà Hồ, nhà Minh đã lấy cớ là sang để phục hồi lại ngai vị của nhà Trần, triều đại được nhà Minh công nhận. Hay lúc nhà Thanh sang xâm lược nước ta là lấy cớ bảo vệ cho nhà Lê Trung Hưng.
Lợi:
Lợi ích này chủ yếu là cho vua chúa Việt Nam, bởi vì họ có thể kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ để tiêu diệt thế lực đe dọa họ. Vua Lê Trang Tông đã hai lần gửi thư cầu cứu nhà Minh sang đánh nhà Mạc để phục hồi nhà Lê, và nhà Minh đã sang thật. Vua Mạc phải ứng xử khôn khéo mãi mới khiến nhà Minh rút quân về.
Lợi ích này của Triều Tiên cũng thể hiện rõ nhất khi họ bị Nhật Bản xâm lược, họ đã có được sự trợ giúp của quân nhà Minh để đuổi quân Nhật về nước.
Thứ hai: “Việt Nam xưng đế với Trung Quốc, chỉ có Hàn là chư hầu, vậy là khác nhau”:
Đúng là vua Việt Nam xưng đế, phần lớn vua Việt Nam xưng đế, nhưng “đế” này chỉ dùng ở trong nước, đó là sự khác nhau trong “nội trị” giữa Hàn và Việt. Còn sự giống nhau trong ngoại giao giữa Hàn và Việt là đều giữ quan hệ chư hầu với Trung Quốc.
Hoàng đế ở Việt Nam là danh xưng trong nước, hoặc với những nước yếu như Chăm Pa, chứ “Hoàng Đế” này không tồn tại trong quan hệ Việt-Trung. Từ thời Đinh đến hết thời vua Tự Đức, Việt Nam duy trì quan hệ chư hầu với Trung Quốc. Mỗi khi một triều đại Trung Quốc mới thành lập, vua Việt Nam và Hàn sẽ cử người sang xin sắc phong công nhận là chư hầu, xin được cống nạp thường xuyên. Trong thư từ ngoại giao với Trung Quốc của Hàn và Việt, vua Hàn và Việt đều xưng bề dưới, không bao giờ ngang hàng. Những cái đại từ “tôi” mà vua VN xưng với TQ mà các bạn đọc trên internet đều là dịch sai nguyên văn.
Tóm lại xét về mặt nội trị, có sự khác nhau là đa số vua VN đều xưng đế, nhưng trong ngoại giao với Trung Quốc, Việt Hàn là hai nước chư hầu đối với Trung Quốc. Điều này chẳng có gì nhục nhã cả, đó là điều mà tất cả người cai trị đương thời nào ở Hàn và Việt đều làm, bởi vì ngoài lý do quốc phòng (tránh TQ xâm lược liên tục), còn là vì lý do kinh tế (giao thương buôn bán), và cả văn hóa (nhập các sách Nho Giáo từ Trung Quốc về Việt Nam). Phan Huy Chú đã khẳng định lại như sau:
“Nước Việt ta cõi đất phía nam mà thông hiếu với Trung Hoa, nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, đối ngoại thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế” (LCHCLC, tr534, mục Bang Giao Chí).
Thứ sáu, Hàn là tên mới có ở thời hiện đại, xưa kia chỉ có nước Triều Tiên:
Hàn trong Hàn Quốc, trong Đại Hàn Dân Quốc là tên cổ của dân tộc Triều Tiên cách đây 2000 năm, bắt nguồn từ ba nước Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn. Ba nước này sau này đã phát triển thành các quốc gia của dân tộc Triều Tiên
Ghi chép lại về tên Hàn trong thư tịch của Trung Quốc như sau:
Hậu Hán Thư cách đây 1500 năm.
秋,東夷韓國人率眾詣樂浪內附
Dịch: Mùa Thu, dân Đông Di HÀN QUỐC đều đến nội phủ Lạc Lãng.
Tam Quốc Chí (cách đây 1800 năm):
韓在帶方之南,東西以海為限,南與倭接,方可四千里。有三種,一曰馬韓,二曰辰韓,三曰弁韓。
Dịch: Hàn ở phía Nam, phía Đông Tây giáp biển, phía Nam gần Oa Khấu(Nhật Bản), gồm 3 chủng: 1 là Mã Hàn, 2 là Thìn Hàn, 3 là Biện Hàn.
Kết luận:
Bạn Hàn Quốc trong ảnh đúng cả về hai thứ, thái độ và kiến thức. Về mặt thái độ, bạn Hàn Quốc hoàn toàn tôn trọng lịch sử Việt Nam, không có sự chê trách, cà khịa. Việc các bạn cà khịa, trêu chọc bạn này chỉ càng khẳng định rằng cái bài báo “Việt Nam ‘lọt’ top 5 ứng xử kém văn minh trên Internet” càng ngày càng đúng thôi.
Về mặt kiến thức, bạn Hàn Quốc hoàn toàn đúng khi nói rằng Việt Nam và Hàn Quốc có điểm giống nhau về văn hóa. Bạn ấy không nói Việt Nam và Hàn Quốc giống nhau hoàn toàn, mà chỉ nói là có những điểm chung về mặt văn hóa lịch sử, Mình xin được tóm tắt lại những điểm chung lớn nhất:
1) Đều cạnh Trung Quốc, từng chống chọi lại Trung Quốc.
2) Đều tiếp thu văn hóa của Trung Quốc, và từ đó biến đổi thành văn hóa của mình.
3) Đều cùng từng duy trì một hình thức ngoại giao đối với Trung Quốc.
Việc bạn ấy cảm thấy “thân thuộc” tức là khi sang VN bạn ấy thấy Văn Miếu, thấy chùa chiền có chữ Hán giống nước bạn ấy, chứ không phải kiểu nhận vơ tổ tiên, “thấy sang bắt quàng làm họ”. Bất cứ người văn minh nào biết tiếng Anh khi đọc câu của bạn người Hàn đều sẽ hiểu sự thiện chí, sự tôn trọng của bạn này, đáng tiếc là số người đó lại quá ít…

You may also like

Leave a Comment