NGƯỜI KHIẾT ĐAN VÀ CÂU CHUYỆN VỀ MỘT DÂN TỘC ĐÃ HOÀN TOÀN BIẾN MẤT TRONG LỊCH SỬ

by admin

Triều đại nhà Liêu là một vương triều được thành lập bởi một dân tộc thiểu số gọi là Khiết Đan (Khitan) sống ở khu vực Đông Bắc của Trung Quốc. Năm 916, một người đàn ông Khiết Đan tên là Gia Luật A Bảo Cơ (Yelu Abaoji) đã thành lập Vương quốc Khiết Đan. Đến năm 947, danh hiệu của vương quốc đã chính thức được đổi thành Liêu, với lãnh thổ của nó chủ yếu bao phủ phần Đông Bắc của Trung Quốc, nằm giữa thảo nguyên Mông Cổ ở phía Tây và vương quốc Goguryeo trên bán đảo Triều Tiên ở phía Đông.

KHỞI NGUỒN CỦA VƯƠNG QUỐC KHIẾT ĐAN

Nguồn gốc xuất thân của người Khiết Đan vẫn là một ẩn số, tuy nhiên đa phần các nhà nghiên cứu tin rằng dân tộc Khiết Đan là một nhánh du mục tách ra từ người Tiên Ty trong thời Lục Triều và có nhiều nét tương đồng với người Mông Cổ. Ban đầu họ là một chư hầu của nhà Đường và bị chia rẽ thành nhiều bộ lạc trước khi Gia Luật A Bảo Cơ nhân cơ hội nhà Đường sụp đổ để thống nhất tất cả.

Về mặt chính trị, nhà Liêu có hai triều đình với hai hệ thống và chính sách quản lý khác nhau áp dụng ở các khu vực khác nhau. Ở các khu vực phía bắc, nơi cư trú ban đầu của người Khiết Đan vẫn duy trì truyền thống tập quán xưa cũ của họ trong khi ở các khu vực người Khiết Đan là thiểu số như vùng phía đông gần biển Bột Hải sau khi tiêu diệt vương quốc Balhae (Bột Hải) năm 926 và phía nam ‘Yên Vân thập lục châu’ là vùng đất lấy được từ người Hán thì hệ thống phong kiến ​​đã được thông qua. Mặt khác, một hệ thống quản lý đặc biệt trong triều đình cũng được thành lập. Hệ thống quy định rằng các quan lại ở phía bắc trong triều đình chịu trách nhiệm quản lý người Khiết Đan trong khi các quan lại ở phía nam chịu trách nhiệm về những người Hán. Ngoài ra, các luật lệ khác nhau sẽ được áp dụng cho đối tượng là người Khiết Đan hay người Hán.

Văn hóa của người Khiết Đan bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa của người Hán. Gia Luật A Bảo Cơ, hoàng đế đầu tiên của nước Liêu tôn thờ Khổng Tử và thành lập Quốc Tử Giám để truyền bá Nho giáo, Phật giáo Trung Quốc cũng dần dần truyền bá sang Liêu thay thế cho các dạng tín ngưỡng tôn thờ thiên nhiên nguyên thủy. Mặc dù vậy, trong khi người Khiết Đan kết hợp một số khía cạnh của văn hóa triều đình Tống, hoàng đế và triều đình vẫn giữ các nghi thức, quần áo và ngôn ngữ của Khiết Đan. Họ thậm chí đã đi xa đến mức nghĩ ra hệ thống chữ viết riêng cho ngôn ngữ nói của họ. Điều này trái ngược hoàn toàn với các đế chế du mục khác cai trị ở Trung Quốc có xu hướng áp dụng ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc và sau đó bị người Hán đồng hóa.

Là một quốc gia gốc gác du mục, người Khiết Đan giỏi cưỡi ngựa và bắn cung. Do trọng võ hơn văn, nước Liêu của người Khiết Đan có thể huy động quân đội trong dân chúng với tỷ lệ rất cao, bình thường từ 200.000 – 300.000 người, lúc cao nhất lên tới 1.642.800 người.

SỰ BIẾN MẤT CỦA NGƯỜI KHIẾT ĐAN

Là một tộc người hiếu chiến, người Khiết Đan đã tấn công Bắc Tống nhiều lần. Họ thèm muốn lãnh thổ nhà Tống ở Trung Nguyên nhưng do tiềm lực có hạn về cả dân số lẫn lãnh thổ mà Liêu cuối cùng vẫn không thực hiện được tham vọng của mình. Năm 1005, Liêu và Tống đã ký Hiệp ước hòa bình. Sau đó, Liêu giữ mối quan hệ thân thiện với Tống trong gần 120 năm trước khi cả hai cùng suy yếu. Năm 1225, vương triều Liêu bị một sắc dân man rợ là người Nữ Chân tiêu diệt. Người Nữ Chân thành lập nhà Kim và họ thay thế người Khiết Đan trong nỗ lực tiêu diệt nhà Tống nhưng tới thế kỷ XIII thì cả hai quốc gia Kim – Tống đều lần lượt bị những đạo quân kỵ binh Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn và con cháu ông ta tiêu diệt.

Trong lịch sử, chuyện thay ngôi đổi chủ thường xuyên xảy ra nhưng nền văn hóa truyền thống vẫn tiếp nối. Song, vương triều Khiết Đan sau khi bị diệt vong thì cả nền văn hóa Khiết Đan cũng theo đó mà tàn lụi.

Phân tích nguyên nhân, có thể thấy, từ khi vương triều Khiết Đan kiến lập đến năm 1271 triều Nguyên ra đời, trong khoảng hơn 300 năm, trên vùng đất của vương quốc Khiết Đan xuất hiện các triều đại Liêu của người Khiết Đan, Kim của người Nữ Chân, Nguyên của người Mông Cổ thay nhau cai trị. Do tầng lớp thống trị triệt hạ nhau giành quyền lực đều là các dân tộc du mục hung hãn, thành lập các triều đại thuộc các tộc người khác nhau nên triều đại nào bị tiêu diệt là kéo theo cả vị trí của tộc người đó cùng nền văn hóa của họ bị biến chuyển hoặc hủy diệt. Nhà Kim của tộc Nữ Chân sau khi đoạt được quyền lực từ Liêu đã hạ lệnh giết sạch những người Khiết Đan phản kháng. Người Khiết Đan bị phân tán và cuối cùng bị đồng hóa với người Nữ Chân. Sau sự sụp đổ của triều đại, một số quý tộc Khiết Đan, đứng đầu là Gia Luật Đại Thạch đã trốn về phía tây để tái lập một quốc gia mới có tên là Kara Khitai hay còn gọi là Tây Liêu. Quốc gia này tồn tại từ năm 1125 đến năm 1218 thì bị quân Mông Cổ tiêu diệt. Từ đó người Khiết Đan biến mất khỏi lịch sử.





You may also like

Leave a Comment