Sự phát triển của mạng xã hội cho phép chúng ta tiếp cận với những thông tin vô cùng thú vị. Chắc hẳn một lúc nào đó, bạn đã từng đọc hoặc xem ở đâu đó về việc người mù sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh và internet. Bạn cảm thấy thắc mắc là không thấy đường thì làm sao người mù nhìn được màn hình, làm sao người mù tương tác được với màn hình cảm ứng và bàn phím máy tính? Nhằm thỏa mãn sự tò mò của bạn, bài viết này sẽ mô tả chi tiết cách người mù sử dụng các thiết bị công nghệ và hòa nhập với cộng đồng mạng.
Nhiều người thường có quan niệm là những thiết bị công nghệ dành cho người mù được thiết kế đặc biệt, có chữ nổi, có giọng nói và khác so với các thiết bị đang có mặt trên thị trường… Đó là một quan niệm sai đến 99%, vì hầu hết thiết bị mà một người mù sử dụng nó vẫn giống như tất cả những thiết bị công nghệ phổ biến hiện tại như: điện thoại Samsung, IPhone, máy tính Dell, HP, Asus và Macbook… Đồng thời, người mù vẫn sử dụng tất cả các ứng dụng và mạng xã hội phổ biến hiện nay như: Microsoft, Internet, Google, Facebook, Telegram, Messenger… Câu hỏi được đặt ra là “tại sao không thấy gì mà người mù vẫn sử dụng smartphone và máy vi tính bình thường được?”
Trong thực tế, mọi thiết bị công nghệ hiện tại đều được tích hợp mặc định một chương trình gọi là Screen Reader, tiếng Việt gọi là Trình Đọc Màn Hình. Screen Reader hay Trình Đọc Màn Hình là tên gọi chung cho tất cả các phần mềm có chức năng biến các văn bản thành giọng nói để người mù có thể tương tác. Ví dụ, trên màn hình có biểu tượng ứng dụng Facebook, người sáng mắt chỉ cần nhìn vào là tương tác được, còn người mù sẽ điều hướng để loa đọc biểu tượng đó lên là Facebook rồi mới tương tác. Tiêu đề bài viết này là “Người mù sử dụng mạng xã hội và internet như thế nào?” Người sáng mắt chỉ cần nhìn vào màn hình là đọc được, nhưng người mù sẽ di chuyển con chỏ cho nó đọc qua loa. Ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói được cài đặt trong tất cả các thiết bị như: smartphone, laptop, máy tính bảng, loa thông minh….
Một thắc mắc khác là không thấy sao người mù sử dụng màn hình cảm ứng được? Thông thường, người sáng mắt khi sử dụng màn hình cảm ứng chỉ cần nhìn vào màn hình rồi vuốt và chạm là tương tác ok, nhưng nếu người mù làm vậy thì màn hình sẽ bị đứng ngay lập tức. Để hỗ trợ vấn đề này, các hãng công nghệ lại tạo lên một cơ chế gọi là double taps. Với Double Taps, khi người mù chạm vào màn hình thì điểm chạm sẽ được đọc lên chứ chưa được thực thi, để thực thi thì người mù gõ nhanh 1-2 cái vào điểm đó tùy theo setting. Ví dụ, khi người sáng mắt muốn sử dụng Youtube, họ chỉ cần nhìn lên màn hình và nhấn vào Youtube là nó chạy, nhưng người mù sẽ phải mò cho Youtube đọc lên rồi double taps hai lần cho nó chạy.
Ở trên máy tính thì mọi thứ đơn giản hơn, bàn phím của người mù giống với tất cả mọi bàn phím phổ thông khác, điều người mù cần làm để sử dụng là tập kỹ thuật đánh máy 10 ngón. Trong kỹ thuật 10 ngón, chữ J và F là điểm gốc, các ngón khác sẽ di chuyển theo quy tắc để có thể tương tác với tất cả bàn phím. Dùng kỹ năng này mà người mù có thể đánh máy 60-70 từ trong 1 phút. Không biết là có phải các hãng sản xuất hỗ trợ người mù hay không nhưng chữ J và F có hai chấm nổi nhỏ lên. Kỹ năng 10 ngón dùng cho tất cả mọi người chứ không phải riêng người khiếm thị.
Nhờ những cơ chế như vậy đã giúp những người mù sử dụng các thiết bị công nghệ, internet, mạng xã hội giống như mọi người. Có nhiều người mù vẫn làm những công việc liên quan tới công nghệ thông tin như: viết code, lập trình web, viết content… Thực tế, mình cũng là một người mù hoàn toàn và đang viết những dòng này cho mọi người đọc.
Những hạn chế mà người mù chưa tiếp cận tốt với công nghệ… Đúng là công nghệ đã rất tốt và thân thiện với người mù , nhưng không thể phủ nhận vẫn còn một vấn đề lớn mà người mù chưa thể tiếp cận đó là hình ảnh và video. Mặc dù các hãng công nghệ đang cố gắng để hỗ trợ người mù xem ảnh qua trí tuệ nhân tạo AI, nhưng bước tiến vẫn chưa đáng kể. Hi vọng một vài năm nữa mọi thứ sẽ tốt lên.
Cách để người sáng mắt có thể thử sử dụng chức năng dành cho người mù. Trong mỗi điện thoại dù là IPhone hay Android đều có một phần gọi là “Hỗ Trợ” trong cài đặt. Khi mở cài đặt Hỗ Trợ ra, mọi người sẽ thấy tên riêng của Screen Reader tương ứng với từng hệ điều hành: TalkBack cho Android Smartphone, VoiceOver cho IPhone, Ipad, Macbook và Jaws hay NVDA trên máy tính Windows. Để bật Screen Reader, các bạn chỉ cần bật nó lên. Ngoài ra, các bạn có thể gọi trợ lý ảo của điện thoại và yêu cầu nó mở. Ví dụ, Android Smartphone thì các bạn nói “Ok Google làm ơn mở Talkback cho tôi” hoặc trên IOS là “Hey Siri, please turn on voice over”. Lưu ý, do chế độ screen reader được tối ưu cho người mù sử dụng nên các bạn sẽ cảm thấy điện thoại có vẻ đã gặp vấn đề khi chúng được bật lên. Đừng lo mà hãy từ từ vuốt nhẹ và sử dụng nguyên lí double taps đã nói ở trên để tương tác nhé.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này của mình. Có điều gì thắc mắc về người mù/khiếm thị thì hãy đặt câu hỏi cho mình nhé.
Nguồn: Anh Khiếm Thị….