Chúng ta có đôi mắt để nhìn thấy mọi thứ, nhưng chúng ta lại không thật sự nhìn thấy mọi thứ.
Chúng ta luôn nhìn mọi việc, mọi người, mọi điều qua những lớp “Filter” do chính bản thân chúng ta vô thức tạo ra. Những thứ chúng ta nhìn thấy đều được ta cho vào một CPU (ở đây là ẩn dụ cho bộ não) cộng với bộ nhớ mà trong đó gồm những hình ảnh, những trải nghiệm của bản thân, ta so sánh với những thứ đó và đưa ra một đáp án, dịch thuật cho hình ảnh mình thấy ở trước mắt.
Thông thường khi ta nhìn một người, một sự việc ta luôn có một sự so sánh với những gì mình đã trải qua và đưa ra nhận định rằng người này là tốt, việc này là xấu, là đúng, là sai, vân vân…
Nhưng vì là filter nên khi ta nhìn xuyên qua nó thì những gì ta thấy thường rất xa với “sự thật”.
Những gì ta “nhìn” thấy không phải là hiện tại.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể sống trong hiện tại này? Phải nhìn như thế nào là đúng?
Như khi ta nhìn một cây bút, ta sẽ làm mọi thứ với cây bút đó ở trong bộ não của chúng ta. Ta sẽ thấy nó to hay nhỏ, dài hay ngắn, sặc sỡ hay trầm mặc, dễ thương hay đáng ghét, chúng ta luôn làm điều đó trong vô thức. Thay vì như vậy sao ta không chỉ nhìn nó là một cây bút thôi ? Vốn dĩ hiểu biết trong chúng ta đâu cần dịch thuật.
Xòe bàn tay, nhìn vào nó ta đã biết nó là bàn tay khi chưa cần qua bất cứ suy nghĩ, dịch thuật filter nào hết. Đó là cách nhìn sự thật, nhìn mọi thứ với cái mà nó đang là.
Theo đó, tất cả những lập luận của chúng ta là đều theo góc nhìn “tạm thời”, tôi tạm gọi nó là “sự thật tương đối” và nó chỉ tương đối cho cái góc nhìn đó thôi, nó không phải là “sự thật”. Hiểu được điều này ta sẽ tránh được những cuộc tranh luận đúng sai, tốt xấu.
Nói thêm về một chút về việc tranh luận đúng sai, tốt xấu thì ta lại có một băn khoăn.
Trong một bối cảnh, tình huống, bạn có cãi vã với một người mà bạn thật sự trân trọng. Trong tình huống này bạn là “người đúng” nên tất nhiên là bạn thắng trong cuộc tranh cãi kia. Và rồi người đó trở nên xa cách hơn hoặc cũng có thể mối quan hệ của bạn và người ta sẽ sụp đổ. Thì lúc này bạn sẽ không hạnh phúc. Vậy câu hỏi đặt ra là bạn đúng nhưng bạn không hạnh phúc thì bạn có còn đúng nữa hay không?
Quay lại với vấn đề chính, một hình tròn nếu ta nhìn chính diện thì ta thấy nó tròn, nhưng nếu người khác có góc nhìn khác ta thì lại thấy nó méo mó. Tranh luận nhau tốt xấu cũng như vậy. Chúng ta bị kẹt ở chỗ “đúng sai” rất nhiều. Trên thực tế cái đúng, cái sai đó chỉ là tạm thời, chúng ta không cần quan trọng điều đó. Chắc hẳn bạn cũng có một việc mà lúc trước bạn từng thấy nó đúng, nhưng giờ bạn lại thấy nó sai. Cái tạm thời của đúng sai nó là vậy, sự khác nhau về thời điểm, góc nhìn, trải nghiệm của mỗi cá nhân sẽ cho ra những kết quả khác nhau.
Bản thân tôi, người viết những dòng này không hẳn là đã có thể rũ bỏ hoàn toàn cái filter của riêng mình – đó là cả một quá trình dài. Thế nhưng giờ đây filter của tôi lại đơn giản và trực quan hơn trước rất nhiều. Đó là “Con người quan trọng hơn những thứ do con người tạo ra”. Cùng lấy ví dụ nhé, bạn viết một bài viết gì đó rất dài, rất tâm huyết, bài viết đó chứa biết bao nhiêu là cảm xúc buồn tủi của bạn. Xong xuôi, bạn post lên Facebook với sự chờ đợi là sẽ có người nào đó đồng quan điểm vào và chia sẻ với bạn. Rồi một người bạn của bạn vào comment bắt lỗi chính tả của bạn, thì lúc này bạn cảm thấy thế nào? Trong trường hợp này người bạn kia có đúng không? Đúng, bạn kia đúng trong chính tả đấy nhưng trong tình huống này bạn đó hành xử như vậy có đúng hay không? Lại một ví dụ nữa cũng về chính tả, người bà già nua, mắt mũi kèm nhèm, và như bao người cao tuổi khác, bà kém về mặt công nghệ. Nhưng bà vẫn nhắn cho bạn một tin nhắn hỏi thăm sức khỏe, câu cú thì lủng củng, sai chính tả có thể nói là từ đầu đến đuôi thì trong trường hợp này bạn có nên nhắn tin lại và bắt lỗi chính tả của bà hay không?
Chính tả là thứ do con người tạo ra, theo quy tắc nó sẽ không quan trọng bằng con người. Đồng ý là sẽ trong vài trường hợp sẽ cần một sự trao chuốt, trịnh trọng nhất định nhưng đây không phải là trường hợp đó. Thứ chúng ta cần quan tâm đến ở đây là cảm xúc, khó khăn của bạn mình hay tình yêu thương ấm áp và sự nỗ lực của người bà chứ không phải là đúng sai trong chuyện chính tả. Ví dụ này có thể áp dụng được với rất nhiều chuyện khác trong cuộc sống, miễn là các bạn phân biệt được giữa con người và thứ con người tạo ra.
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp cho mọi người một góc nhìn mới, có thể đúng, có thể sai như tinh thần của bài viết.
Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc đến những dòng này, mến chúc mọi người có một ngày thật vui vẻ!