Dưới lăng kính tâm lý học và triết học hiện đại thông qua trang sách, độc giả có cơ hội hiểu rõ sự chăm sóc của người mẹ quyết định đến cách con họ yêu thương và trưởng thành thế nào.
Gắn bó yêu thương
“Thuyết gắn bó” được khởi xướng nghiên cứu từ nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần người Mỹ John Bowlby. Ông cùng cộng sự quan sát cách trẻ tương tác, gắn bó, phản ứng với mẹ và dự báo tính cách sau này ra sao. Kết quả, những em bé được mẹ cho ăn uống đầy đủ, âu yếm và che chở có tâm lý ổn định hơn rất nhiều so với những đứa khác bị thờ ơ, bỏ mặc.
Nghiên cứu của ông được công nhận và ứng dụng trong nhiều công trình, tài liệu và sách tâm lý học hiện đại. Các hình mẫu tính cách “an toàn”, “lo âu”, “tránh né” cũng từ đó mà ra. Nhiều cuốn đã làm rõ hơn mối quan hệ giữa việc trẻ hình thành gắn bó với người nuôi dưỡng và cách phát triển mối quan hệ xã hội, mơ ước về bạn đời ra sao.
Nhiều bác sĩ tâm lý, nhà tham vấn hôn nhân cũng coi “Thuyết gắn bó” như một cơ sở khoa học để dự đoán tính cách cũng như hướng phát triển mối quan hệ. Các nhà sư phạm, hoạt động xã hội, người làm luật tại các quốc gia cũng sử dụng nghiên cứu như một sự tham khảo có giá trị trong việc thiết kế chương trình mầm non, thai sản.
Hai mặt của gia đình
Trong Hai mặt của gia đình, Choi Kwang Huyn – một bác sĩ tâm lý người Hàn, đã chỉ rõ ảnh hưởng của tình cảm gia đình đến sự hình thành mẫu bạn đời lý tưởng của mỗi người. Theo đó, những đứa trẻ có bà mẹ lành mạnh, chăm sóc và cho con một gia đình đầy đủ cha mẹ, các thử thách ở mức độ vừa phải khi lớn lên cũng có xu hướng tìm những người ấm áp, biết quan tâm.
Ngược lại, sự trống rỗng của tuổi thơ thiếu vắng tình cảm, hoặc chứng kiến người mẹ bị bạo hành, không được yêu thương rất có thể khiến con cái có xu hướng theo vòng lặp lại của người sinh ra mình: đánh giá sai bạn đời, yêu những người không xứng đáng, luôn nghĩ vấn đề tội lỗi do mình hoặc hình thành cơ chế phòng thủ quá mức khiến không một đối tác nào có thể tiến lại gần…
Qua tác phẩm của mình, ông muốn nói gia đình luôn là “món hàng mua một tặng một” với đủ cả hạnh phúc và khổ đau. Đồng thời, cổ vũ mọi người dũng cảm giải quyết vấn đề, để lại quá khứ phía sau, hướng về cuộc sống mới.
Hành trình yêu
Các dòng sách nghiên cứu về tình yêu, hôn nhân hiện đại làm sáng tỏ nhiều điều về cách người mẹ chăm sóc con cái có ảnh hưởng đến quá trình họ yêu thương và giao tiếp với bạn đời.
Trong tác phẩm mới được dịch tại Việt Nam của Alain de Botton – Hành trình yêu, ông giải thích rất thú vị về hành vi “dỗi” giữa những người yêu nhau như một cách tái hiện lại nhu cầu được thấu hiểu, được chăm sóc mà không cần nói của những đứa trẻ khi xưa.
Lúc chúng ta còn nhỏ, không phải giải thích, mọi ánh mắt nhíu mày hay giọt nước mắt đều được mẹ thấu hiểu và đáp ứng. Nhưng khi lớn lên, câu chuyện đã khác, không nhiều mong muốn được thấu hiểu. Do đó, chúng ta dồn hết kỳ vọng đó vào người mình yêu.
Tác giả viết về chuyện dỗi hờn rất thú vị: “Kẻ giận dỗi có thể cao 1m86 và có nghề nghiệp đàng hoàng, nhưng thông điệp thực sự lại thụt lùi đau đớn: Trong sâu thẳm, tôi vẫn là một đứa trẻ, và ngay lúc này, tôi cần em là mẹ của tôi. Tôi cần em đoán đúng chuyện gì đang thực sự làm tôi đau khổ, như mọi người đã làm khi tôi còn là một em bé, khi ý niệm tình yêu trong tôi lần đầu tiên được hình thành”.
Chính bởi vậy, tác giả đưa ra giải pháp khi các cặp đôi giận dỗi: Hãy xem nhau lúc ấy là những đứa trẻ. Thay vì chỉ trích, thỉnh thoảng đóng vai một bà mẹ với sự bao dung và vỗ về âu yếm với người yêu/ bạn đời của mình, là một liệu pháp xoa dịu bực tức, đẩy lùi bất hòa.
Là cội nguồn của sự sống, người mẹ có vai trò lớn trong đời sống của một đứa trẻ. Càng hiểu về sự ảnh hưởng của mẹ và gia đình, bạn càng có lựa chọn yêu đương, chung sống rõ ràng, can đảm và trân trọng bản thân hơn.
Những cuốn sách trên có thể là nhịp cầu đưa mỗi độc giả tới gần đích hơn trên hành trình ấy – là cơ hội thêm hiểu và thương yêu mẹ mình.
Theo VNN