NHỮNG NHẬN ĐỊNH VÀ KINH NGHIỆM VIẾT TRUYỆN NGẮN TỪ CÁC NHÀ VĂN

by admin

✍️ Nhà văn Pautopxki

Mỗi nhà văn, kể cả những người muốn viết truyện ngắn một cách hoàn toàn thoải mái, đều không khỏi có lúc phải nghĩ về những nguyên tắc sắt đá, những “quy luật vàng” được viết trong các sách giáo khoa văn học. Những quy luật đó cố nhiên rất hay. Chúng buộc những ý tưởng còn lờ mờ trong đầu óc nhà văn phải cập bến những ý đồ chính xác và sau đó, nhịp nhàng đi tới những khâu cuối cùng, tới sự hoàn thiện của tác phẩm, cũng như con sông mang nước của mình tới biển.

Truyện ngắn là một truyện viết rất ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường.

✍️ Nhà văn Chekhov

Để có một truyện ngắn tốt, trong truyện đó, không có cái gì được thừa, cũng y như trên boong tàu quân sự, ở đó tất cả đâu vào đấy, không có gì được thừa, truyện ngắn cũng vậy. Nghệ thuật viết, nói cho đúng ra, không phải ở chỗ viết như thế nào, mà là nghệ thuật vứt bỏ đi những gì dở kém như thế nào.

✍️ Nhà văn William Somerset Maugham

Truyện ngắn là sự trình bày một sự kiện theo trình tự của câu chuyện diễn biến hoặc theo trình tự của tâm tình.

✍️ Nhà văn Nguyễn Công Hoan

Khi tôi thấy một hiện tượng (một câu nói, một cảnh, một việc) làm cho tôi xúc động, nếu bản thân hiện tượng ấy chưa thành truyện ngắn được, vì nó chỉ có thân mà chưa có kết, thì lập tức thói quen nghĩ truyện ngắn của tôi kết ngay được truyện ấy. Lúc bấy giờ, tuỳ theo cái kết tôi vừa nghĩ ra để tâm vấn đề nói vui hay thảm, chua chát hay nực cười, tôi phỏng theo hiện tượng ấy mà sáng tạo ra truyện, theo hướng vấn đề ấy. Khi một hiện tượng chỉ gói ghém một ý hay thì tôi dùng hiện tượng ấy làm kết một truyện. Ngay lập tức, câu chuyện tưởng tượng, bố trí sẵn sàng theo cái kết ấy, hiện ra trong óc tôi như mở gói ấy cho tôi trông thấy.

✍️ Nhà văn Bùi Hiển

Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên. Có khi nhân vật đặt trước một vấn đề phải băn khoăn, suy nghĩ, lựa chọn, quyết định. Có khi chỉ là một cảnh sống làm việc bình thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí tình cảm của mình. Có khi có những hành động mãnh liệt những tình tiết éo le. Có khi chỉ là một tâm trạng, một nỗi vui buồn, một ý tình chớm nở. Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy đủ nhất.

✍️ Nhà văn Nguyên Ngọc

Truyện ngắn mang rất rõ cái chất của từng người viết, nhất là cái chất quả quyết, đột ngột. Viết truyện ngắn phải có nghề lắm. Vả lại, phải viết về những cái mới, hững cái không dễ thấy, nhưng ở chiều sâu của nó, cuộc đời đang đặt ra.

✍️ Nhà văn Nguyễn Thành Long

Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được.

✍️ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Viết truyện ngắn là chơi bố cục, thú lắm. Theo tôi quan niệm, truyện ngắn phải có “chuyện” tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn. Yêu cầu bố cục đặt ra từ đấy. Học các nhà văn nước ngoài, truyện ngắn nước ngoài cũng trông vào bố cục. Như Maupassant, như truyện ngắn Nga, toàn là bố cục khiếp cả.

✍️ Nhà văn Phùng Quý Nhâm

Ý thức về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là sức sống cảm quan thẩm mỹ đối với người cầm bút. Do dung lượng truyện ngắn hạn chế, nên sự tuyển dụng chi tiết đưa vào tác phẩm phục vụ cho chủ đề, cho tư tưởng chung, cho việc khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật… là trách nhiệm, tài năng của nhà văn.

✍️ Nhà văn Lại Nguyên Ân

Lời văn là yếu tố quan trọng cho nghệ thuật viết truyện ngắn. Lời kể và cách kể chuyện là những điều người viết truyện ngắn đặc biệt chú ý khai thác và xử lý, nhằm đạt hiệu quả mong muốn.

✍️ Nhà văn Tô Hoài

Người viết truyện ngắn phải rèn luyện đến từng dấu phẩy. Và anh chỉ viết được những gì anh hiểu khá kỹ càng. Có thể nói truyện ngắn đòi hỏi nhà văn phải lương thiện rất mực. Tôi cho rằng truyện ngắn là một thể văn tập cho người viết nhiều nét quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn mình thường yếu, không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn đòi hỏi hoàn thiện, ở đây ta được rèn luyện đến việc dùng từng dấu phẩy… Nếu ký nặng về phần sự thực để minh hoạ ý thì truyện ngắn đã đứng hẳn ở phía của người sáng tạo. Một truyện ngắn hay, không chỉ có ý nghĩa ở chủ đề tư tưởng và nhân vật mà từng câu, từng chữ của truyện ấy sẽ tạo nên nội dung cái hay cho chủ đề tư tưởng và nhân vật. Mỗi chữ có sức mạnh riêng đồng thời sức mạnh hòa chung cả hai phía ấy dựng nên hồn chữ, hồn câu toàn bài…

✍️ Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Tôi thường hình dung thể loại truyện ngắn như mặt cắt giữa một thân cây cổ thụ: chỉ liếc qua những đường vân trên cái khoảng gỗ tròn tròn kia, dù sau trăm năm vẫn thấy cả cuộc đời của thảo mộc. Nói đến truyện ngắn là nói đến nghệ thuật của bố cục và sự hàm súc. Kỹ thuật viết truyện ngắn – nó có gì giống như kỹ thuật của người làm pháo: dồn nén tư tưởng vào trong một cái cốt truyện thật ngắn gọn, thật tự nhiên. Cho nên những người viết truyện ngắn bậc thầy đều cao tay trong kỹ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ.

Trạm Đọc tổng hợp

You may also like

Leave a Comment