Phía Tây Trùng Khánh!

by admin

Đi dọc men theo đường tuần tra biên giới xuất phát từ xã Đàm Thuỷ – nơi có Thác Bản Giốc, mình đã vượt qua 16 tiếng khám phá những điều đặc biệt của nơi đây!
Dậy từ 3h30 sáng để chuẩn bị, bắt đầu đi từ 4h40′ cùng nước và xôi để đề phòng dọc đường không có chỗ dừng chân.
Trời còn chưa sáng hẳn và lác đác những giọt sương bay nhẹ, đi xe máy sớm khá lạnh, mình vẫn phải quàng thêm khăn để giữ ấm cổ đề phòng ho và cảm. Dọc đường sáng sớm với chùm hoa dẻ ” cứ thơm hoài xôn xao ” của tuổi thơ sống gắn liền với miền núi bao la!
Đi băng qua những con đường đang trong giai đoạn thi công, những con đường thuần tuý đất đỏ. Bạn sẽ gặp những rừng thông bạt ngàn, những bản làng còn chìm trong sương sớm, những triền hoa sim, hoa mua đang đợi giờ bung nở, những cánh đồng ngô sát sườn chân núi bao la mênh mông.
Trên đường này, đi khoảng gần 2 tiếng chạy xe bạn sẽ đến đoạn đường rẽ vào cột mốc 807-808 thuộc xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Đợt này có dịch Covid 19 nên sẽ không được lại gần. Đối diện cũng có trạm kiểm soát của Trung Quốc.
Đi theo hướng Đình Phong rồi rẽ hướng về Ngọc Côn, bạn nên dừng lại ăn sáng tại khu vực này, bánh cuốn rất ngon, sáng sớm với bát nước xương nóng hổi sẽ giúp bạn khôi phục lại thể lực của chính mình!
Đi tiếp đến cửa khẩu Pò Peo, cửa khẩu này không dành cho khách du lịch, hiện tại mùa dịch nên không thể đi tới các cột mốc. Đứng tại đây, bạn có thêt nhìn thấy các cột mốc 788, 789, 790, 791, ở Việt Nam có 2 cột mốc biên giới số 789 thì 1 ở Ngọc Côn, Cao Bằng, 2 là ở Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Tum! Hiện cũng không thể đi tới tận các cột mốc do dịch Covid.
Tại xã Ngọc Côn còn có cột mốc 784 là nơi bắt đầu của 1 nhánh sông Quây Sơn chảy vào đất Việt!
Đi tiếp sẽ gặp cầu treo Pác Ngà, vẫn thuộc xã Ngọc Côn, qua cầu treo 1 đoạn bên trái sẽ thấy mỏ nước Po Hay xanh lịm, đẹp mắt với những tầng rêu xanh, mỏ nước có độ sâu tới 50m với các mạch nước ngầm từ núi. Bên phải là núi Ngoảo ( Quảo – rất khó nghe rõ tên, âm địa phương và không có tên rõ ràng ) leo khoảng 20-30′ sẽ đến tảng đá dưới cây Phì Phà, là điểm chụp ảnh cánh đồng lúa Ngọc Côn cực kỳ nổi tiếng của các Nhiếp Ảnh Gia. Nơi này cũng có rất nhiều các bức ảnh nổi tiếng. Lên đây mát mẻ và khung cảnh hùng vĩ sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải siêu lòng…
Nơi này đang mùa hoa Thuốc lá và chuẩn bị cấy cho vụ mùa 2020, năm nay năm nhuận nên thu hoạch vào khoảng tháng 8 âm lịch.
Tiếp tục hành trình về hướng xã Phong Nặm, cũng thuộc huyện Trùng Khánh. Đi qua 1 thác nhỏ, buổi trưa chiều có nhiều người ra câu cá, tắm gội, nghỉ nghơi, ngắm cảnh. Bạn sẽ được ngắm những cọn nước mà dưới xuôi ta gọi là guồng nước bằng gỗ còn xót lại. Hiện nay, đã có chương trình hỗ trợ người dân làm cọn nước bằng chất liệu khác, bền vững để ngăn phá rừng. Vừa đi vừa hỏi cũng đến được nơi cần đến ? Lại leo núi đến với một khe núi nhỏ để chụp toàn cảnh đồng lúa và sông Quây Sơn. Sông Quây Sơn vào Việt Nam bằng 2 nhánh từ Trung Quốc, đây vẫn chỉ là 1 nhánh và chưa nhập vào nhau. Trên triền núi này có rất nhiều hoa dẻ, thơm lừng, bạn sẽ gặp các bà ngồi đan lưới đánh cá, gặp các bác đang cấy gặt, vào các bản truyền thống, nói chuyện với mọi người, và tất nhiên, còn được mời cả rượu đấy ^^
Tại Phong Nặm và Ngọc Côn còn có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, để bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này.
Từ Phong Nặm về thị trấn Trùng Khánh chỉ có 6,4km. Tiếp đó quyết định vòng sang Trà Lĩnh, đi men theo đường trong bản, tới đường tuần tra biên giới để dự định đi về theo đường Lục Khu Hà Quảng nhưng thật tiếc vì không thể đạt được mục đích do trời dần tối, đường xấu, không thể đi nhanh!

Chuyến đi kết thúc lúc 19h30 tại thành phố Cao Bằng, cảm tưởng của đói meo, thèm thịt và thèm ti tỉ thứ. Với nhiều người, có thể thấy đây là chuyến đi hành xác chứ du lịch gì? Nhưng với mình, khi quyết định đi Phía Tây Trùng Khánh là đã quyết định tự mình mày mò, vầy vò để tìm hiểu và trải nghiệm những vùng văn hoá khác, gặp gỡ với những con người mới và bổ sung kiến thức mới cho bản thân.
Cảm ơn người dân nơi đây, nhiệt tình yêu thương những con người ” đi lạc “.
Cảm ơn những người bạn đồng hành bất ngờ của ngày hôm ấy. Những người bạn có nhiều kiến thức và am hiểu về địa lý, kỹ năng đi xa khi đến với vùng biên.
Và cảm ơn những người anh, chị ở Cao Bằng của mình, lúc nào cũng giúp đỡ cho những chuyến đi hâm dở của mình luôn ” được ăn, được nói, được gói mang về” ?
Hẹn 1 ngày gặp lại Cao Bằng với Lục Khu Hà Quảng, với đường hoa trạng nguyên Hạ Lang, chắc chắn!
#TranBaoLinh #TrungKhanh #CaoBang





You may also like

Leave a Comment