PHONG CÁCH HONGKONG – ĐÀO SÂU.

by admin

Rất nhiều người bao gồm già trẻ, lớn bé tại thị trường Việt Nam yêu thích cái gọi là “Phong cách Hong Kong”. Nói tới phong cách Hong Kong thì không thể không nhắc tới thời trang và màu sắc của hình ảnh, video mang đượm một màu “buồn buồn, cũ cũ” (Kết hợp với nhạc Lofi các thứ là đúng chuẩn các bạn rồi đúng không?). Nhưng nó không phải là tất cả về “Hong Kong” như chúng ta đang thể hiện nó trên mạng xã hội, nó phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều.

Sự ảnh hưởng của văn hóa HongKong tại Việt Nam chắc chắn được truyền tải rất nhiều qua các series phim TVB. Ở thập niên trước khi mà những kênh giải trí chưa xuất hiện nhiều thì một trong những món ăn tinh thần của nhiều người đó là “Phim bộ Hong Kong” của đài TVB – một trong ba đài truyền hình phát sóng tại HK bao gồm RTHK, HKTVE và TVB. Có lẽ tuổi thơ của chúng ta chắc chắn có những cái tên như Lộc Đỉnh Ký, Bao Thanh Thiên, Đắc Kỷ – Trụ Vương, Sóng gió gia tộc hay Ranh giới thiện ác. Đó là các series dã sử lẫn thế giới hiện đại mà công chúng Việt Nam dành rất nhiều tình cảm hâm mộ. Nhưng ảnh hưởng nhiều nhất tới phong cách ăn mặc hay nói đúng hơn là “Hong Kong Styles” mà nhiều bạn trẻ đang nhắc tới – đang nói tới đó chính là các chuỗi phim của Vương Gia Vệ. Đạo diễn họ Vương với triết lí phim ảnh và những thước phim trở thành huyền thoại của điện ảnh Châu Á vẫn luôn “ám ảnh” với chúng ta tới tận bây giờ. Vương Gia Vệ là một trong những đạo diễn Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại và là người Hoa đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes vào năm 1997 với bộ phim Xuân Quang Xạ Tiết.

Từ A Phi Chính Truyện, Trùng Khánh Sâm Lâm, Tâm Trạng Khi Yêu, Đọa Lạc Thiên Sứ, Căn phòng 2046 và Xuân Quang Xạ Tiết – hình ảnh của Hong Kong của giai đoạn 50 đến 90 được tái hiện một cách đầy mê mị. Câu chuyện về tình yêu, về xã hội , về nỗi cô độc của thế hệ trẻ Hong Kong trong thời kì đổi mới với các cuộc cách mạng văn hóa cỡ lớn. Cách ăn mặc của những tài tử xuất hiện trong series phim của Vương Gia Vệ đóng vai trò rất lớn trong việc truyền bá thời trang và cách ăn mặc của Hong Kong.

Nhưng, đặc sắc của thời trang văn hóa Hong Kong đó là gì?

Theo bản thân mình, đặc sắc của văn hóa Hong Kong đó chính là nơi pha trộn văn hóa và tạo ra một “thể thức mới” đầy thu hút hơn và của riêng mình hơn. Thời trang mà Hong Kong thể hiện là tổ hợp văn hóa Đông – Tây hỗn hợp bởi sự phức tạp của những thứ du nhập vào đây trải dài từ những năm 50 cho tới tận bây giờ. Vì vấn đề nhạy cảm nên mình sẽ chỉ xin nói rằng Hong Kong từng thuộc quyền kiểm soát của Anh (Great Britain) (Xin nói thêm Hong Kong lần đầu tiên nằm dưới hệ thống Trung Quốc từ thời nhà Tần vào thế kỷ thứ 3 TCN. Từ năm 1842 thì Đế quốc Anh giành quyền kiểm soát ba khu vực chính tạo nên Hong Kong ngày nay bao gồm Đảo Hong Kong, bán đảo Cửu Long và Tân Thổ – New Territories) nên chúng ta thấy sự ảnh hưởng từ văn hóa Anh Quốc lên cách ăn mặc của người Hong Kong rất nhiều.

Đế quốc Anh (Sau này là đế quốc Pháp và Nhật Bản…) mang tới khu vực Hong Kong một lịch sử màu sắc về thời trang. Biến chuyển về kinh tế khi Hong Kong dưới sự quản lý của người Anh trở thành cửa ngõ vào Châu Á với phần lớn phương Tây – hàng loạt các mặt hàng, các văn hóa nước ngoài du nhập vào mảnh đất này và trộn lẫn cùng văn hóa bản địa đậm chất Trung Hoa trước đó. Hong Kong trở thành hòn đảo của giải trí, của sự thịnh vượng và biểu tượng của Châu Á lúc bấy giờ – khi người ta giàu thì người ta sẽ làm gì? Đúng vậy, mua quần mua áo. Quần áo được làm ra tại Hong Kong không chỉ phục vụ cho dân bản địa mà còn phục vụ cho đối tượng khách nước ngoài. Cái gì làm nhiều sẽ thành kĩ năng thuần thục và đó cũng là lí do tại sao Hong Kong phát triển rất mạnh về ngành may đo – trước khi Trung Quốc trở thành “Xưởng may của thế giới” thì rất nhiều thương hiệu quốc tế và những cá nhân tìm đến Hong Kong để có thể kiếm những nhà thiết kế và thợ may với kĩ năng “cha truyền con nối” để phát triển thương hiệu cũng như sản xuất những mặt hàng đó cho họ (Đó cũng là một trong nhiều lí do mà Thom Browne có store ở Hong Kong). Sự pha trộn văn hóa Đông – Tây với phần Đông không chỉ có Trung Quốc mà còn có Nhật Bản, phần Tây không chỉ có Anh mà còn Pháp, Tây Ban Nha.. tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, của nền kinh tế phát triển và thời trang đặc sắc.

Hong Kong sản sinh ra rất nhiều biểu tượng về thời trang, những minh tinh màn bạc và ca sĩ ảnh hưởng tới người dân lúc bây giờ. Đa phần những kiểu thời trang đó đều là “Timeless Fashion” – có nghĩa là “Thời trang vượt thời gian” luôn có một giá trị trong ngôn ngữ thiết kế và văn hóa thời trang. Từ những năm 50 – chúng ta có hình tượng của Lin Dai với bộ sườn xám chi tiết hay Le Di (Betty Loh Ti) – “Classic Beauty – Vẻ đẹp của sự cổ điển hay Connie Chan Po-chu với tài sản hơn 230 bộ phim lớn nhỏ cùng chiếc váy chữ A, băng đô đã đi vào tâm trí của nhiều người. Sự giao thoa giữa những giá trị truyền thông và hình ảnh phụ nữ cách tân hay người đàn ông hiện đại kiểu mới từ Hong Kong đã trở thành niềm cảm hứng của biết bao người. Nếu đàn ông từ những bộ quần áo truyền thống của nhà Mãn Thanh thành suits, vest hay kiểu tee với quần jeans tân thời thì câu chuyện của những người phụ nữ càng hay ho và phức tạp hơn nhiều.

Về bản chất để nói Hong Kong có bản sắc về thời trang hay không hay những gì ảnh hưởng tới giới trẻ hiện tại thì thực thà mà nói thì nó mang âm hưởng của Âu Phương rất nhiều. (Đặc biệt là Anh và Pháp) với các kiểu quần jeans ống loe, tee kèm shirt bên ngoài. Hay những bộ suits công sở tiêu biểu – chỉ là chúng ta được “Lãng mạn” và “Nghệ thuật hóa” bởi ánh nhìn của những nhà làm phim đưa những thứ đó quá đẹp để rồi chúng ta thần tượng bởi tinh thần, màu sắc.

Một điểm nữa là trước khi nhiều thương hiệu nổi tiếng đi vào Việt Nam như ngày nay thì có 1 điều mà chúng ta hay “hóng hớt” đó là những người giàu, các siêu sao Việt Nam hay đi qua Hong Kong để shopping vì ở đó có các brands quốc tế (Lúc đó chưa phổ biến và bán online nhiều tại châu Á như bây giờ). Đó là công lao của thế hệ trước bao gồm Walter Ma, designer và Vice Chairman of HKDFA (Hiệp hội thiết kế Hong Kong) và Joyce Ma. Ông nhận thấy các ngôi sao phim bộ của TVB còn nổi tiếng hơn ngôi sao điện ảnh thế nên ông dựa vào mối quan hệ của mình sử dụng hình ảnh các ngôi sao này để đẩy mạnh các local brands của Hong Kong. Song song, Hong Kong cũng tài trợ và đưa các fashion designer của mình ra nước ngoài để giao lưu – học hỏi song hành là các kênh truyền thông sẽ tập trung quảng bá thương hiệu nội địa.

Phát triển thời trang nội địa là thế nhưng nó cần mặt bằng để cạnh tranh, Joyce Ma người sáng lập Joyce Boutique – đã mang các thương hiệu có gu và chọn lọc đến HongKong. Giorgio Armani, Prada, Issey Miyake, Yohji Yamamoto và John Galliano – những cái tên đầy chất lượng là tiền đề giải thích sao HongKong từng là thủ phủ thời trang tại Châu Á.

You may also like

Leave a Comment