[Review] Phim Mùa hè năm ấy | Once in a summer – 2006

by admin
Once in a summer - Mùa hè năm ấy

Nếu như bạn trót say ánh nhìn thân thương, nụ cười tỏa nắng của anh Ba Tôn Kiến Tân (Đậu Kiêu)?

Nếu như bạn lỡ chìm đắm trong làn thu ba trong veo, mẳt cười như mảnh trăng non vừa nhú của Tịnh Thu (Châu Đông Vũ)?

Và nếu như bạn hoàn toàn bị thuyết phục bởi những phân cảnh hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên, của làng mạc qua những góc máy đẹp không góc chết do Trương Nghệ Mưu cầm trịch; cũng như bị chinh phục hoàn toàn với chuyện tình đầy cảm động của Tịnh Thu và anh Ba trong Chuyện tình cây táo gai (Under the hawthorn tree – 2010) – chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Cùng anh ngắm cây sơn trà của Ngãi Mễ…

thì “MÙA HÈ NĂM ẤY” (ONCE IN A SUMMER) chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy hài lòng và tìm được nhịp điệu chung giữa hai bộ phim.

Mùa hè năm ấy kể về chuyện tình đẹp như thơ giữa chàng sinh viên điển trai Suk Young (Lee Byung Huyn) – con trai một vị chức trách tai to mặt lớn của Đại Hàn và Seo Jung In (Park Soo Ae) – một thiếu nữ nông thôn với cặp mắt cười trong veo, tính cách hồn nhiên tinh nghịch luôn mong ước đem nụ cười đến cho mọi người – đọc sách cho các thôn dân, thôn phụ hiền lành chất phác không hiểu rõ lắm chữ nghĩa, sống hòa đồng với người dân trong thôn nhỏ…

Mùa hè năm ấy – năm 1969, anh chàng sinh viên điển trai Suk Young lên đường về thôn quê trên chuyến xe buýt xập xệ để theo chân các đồng học ra đi theo tiếng gọi của thanh niên, của tổ quốc – chiến dịch về quê làng thôn dã để giúp đỡ những con người nơi đây.

Cũng mùa hè năm ấy, Suk Young gặp gỡ cô gái thôn quê xinh xắn, đáng yêu Jung In khi tình cờ đi vào một ngôi nhà nhỏ nằm trong rừng… Một làn gió thổi – thổi những tấm vải được nhuộm màu tinh tươm – cũng thổi tâm hồn của chàng trai đang tuổi lớn vào mối tình chân thành, không nhiễm tạp trần với cô nàng Seo Jung In của rừng núi, thôn làng.

Phải nói bức tranh khi hai người gặp nhau đậm chất thơ. Chất thơ ấy thiếu một chút mùi vị man mác buồn trong Cổ điển (The classic) : khi Joon Ha và Joo Hye gặp nhau – họ “gặp” nhau lần đầu qua những bức thư, họ thấy nhau lần đầu khi chàng đang lấm lem ở dưới đồng ruộng mò tôm bắt cá với đám chiến hữu còn nàng thì xinh đẹp ngồi vắt vẻo trên một chiếc xe thồ để quá giang về nhà – hình ảnh chàng ở dưới ngóng lên nhìn nàng vừa đẹp vừa buồn. Để rồi cơ duyên xảo hợp, họ gặp nhau lần nữa vào một ngày mưa tầm tã…

 

Once in a summer - Mùa hè năm ấy

Nhưng tôi có cảm giác sau khi Mùa hè năm ấy đi đến những giây cuối cùng của thước phim thì cái khán giả đọng lại không phải là nỗi buồn vương vất, nuối tiếc như mối tình đẹp như họa của Joon Ha và Joon Hye trong Cổ điển, cũng không phải là sự xót xa đau lòng đến nức nở, nghẹn ngào trong Chuyện tình cây táo gai khi chứng kiến cảnh tử biệt giữa Tôn Kiến Tân và Tịnh Thu. Mà đó là một điều gì đó bình lặng, thong thả và thanh thản hơn thế. Nó giống như khoảnh khắc Suk Young và Jung In khi họ lần đầu gặp nhau.

Hôm họ gặp, trời đẹp. Đẹp như chính hồi ức về mối tình đầu đầy ngây thơ vụng dại nhưng cũng đầy chân thành ấy.

Trong phim, có rất nhiều phân đoạn, câu thoại làm tôi ấn tượng. Phân cảnh ấn tượng nhất là khi Seo Jung In áp tai vào sát bên khung cửa của cửa hiệu dưới trấn nhỏ để lắng nghe giai điệu lan tỏa từ một cái máy hát – khoảng khắc đẹp và an yên nhất phim (có nhiều bạn còn comment nhìn lúc ấy Jung In như thiên thần. Và quả thực cô ấy chính là một “thiên thần” theo một nghĩa nào đó). Còn câu thoại (hoặc chính xác hơn là một lời kể, một cuộc đối thoại nhỏ và thú vị giữa chàng và nàng) lại làm tôi cảm tháy rất đỗi ngọt ngào và ngây ngô:

– Anh biết “Man Eu Sa” nghĩa là gì không?
– Đó là …một nhà xuất bản à?
– Đó là một thánh đường. Ở đó có những con cá đã hóa đá…

Không hiểu vì sao trong Mùa hè năm ấy còn những lần đối thoại “đắt xắt ra miếng” hơn  trích dẫn trên đây, nhưng, sau khi câu chuyện đi đến hồi kết thì điều tôi đọng lại chính là cuộc trò chuyện đầy ngô nghê, đáng yêu này giữa hai người họ. 

Phải rồi, cuộc trò chuyện không đầu không cuối, ngây ngây ngô ngô như vậy mới giống với lời mà những người đang yêu sẽ nói, sẽ tình tự với nhau chứ. Không hoa ngôn xảo ngữ nhưng chân chất và buồn cười đến lạ. Cái buồn đi nhè nhẹ vào lòng người ẩn sau nét cười trong vắt và tươi tắn của Suk Young và Jung In…

Hóa ra mưa là những con cá hóa đá đang than khóc? Thật lạ. Cũng thật ngộ nghĩnh. Câu chuyện được kể ra dưới sự tin tưởng tuyệt đối của Jung In khi nghe ba và mẹ kể trong những ngày mưa (lúc đó cô chỉ vừa lên bốn, kí ức đeo đuổi đến tận bây giờ). Và câu chuyện đó đi đến hồi kết trong tiếng cười, trong đôi mắt thân thương của Suk Young dành cho Jung In. Tôi nghĩ điều này thực ra rất đắt, rất tuyệt. Nó cho ta thấy khi người ta yêu, những cử chỉ trầm ổn, chín chắn đôi khi lại không đem lại hiệu ứng khắc cốt ghi tâm bằng những nét vụng về, ngây thơ đầy khả ái của đối phương – bất kể bạn là một anh chàng hay cô nàng,là đàn ông hay đàn bà. Chúng ta đã phải vờ chín chắn, trưởng thành với thế giới bên ngoài, vậy tại sao lại không thả lỏng bản thân khi ở bên người ta yêu thương, trân trọng? Vì lẽ họ cũng sẽ trân trọng ta dù ta ngô nghê, vụng dại. Đó mới chính là tình yêu đích thực. Love is blind. Yêu là mù quáng nhưng tôi nghĩ điểm mù trong tình yêu thực chất chính là khi người ngoài nhìn vào cuộc tình bất đối xứng giữa hai người họ hoặc nhìn vào những cử chỉ dại khờ họ trao cho nhau mà thôi.

Mùa hè năm ấy là thước phim dựa trên tuyến thời gian tâm lý cũng như thời gian thực mà nhân vật chính đã đi qua. Đó là cái nhìn mới, cũng là cái nhìn cũ của vị giáo sư “già, đẹp trai và độc thân” (trích trong phim) Suk Young về mối tình của mình. Cái nhìn cũ sao mà đẹp nhưng cũng thực buồn ở hiện tại. Tình đẹp nhưng lại không thành, hai người phải chịu cảnh sống mà phải xa lìa nhau – sinh ly. Để rồi khi gặp lại, một người đành “tử biệt” với người còn lại đang khắc khoải đợi chờ. 

Jung In lựa chọn rời xa Suk Young, đó là một quyết định đau lòng nhưng đúng đắn. Cô gái thôn quê bé nhỏ đã lựa chọn rời xa cũng là để giữ lại cho bản thân và người yêu những khoảnh khắc, những kỉ niệm sau này sẽ trở thành những hồi ức đẹp khi họ tưởng nhớ về nhau. Đối với cái kết của bộ phim, tôi cảm thấy đây là một cái kết hay và viên mãn. Nó không khiến tôi rấm rức như khi thấy hồi kết dở dang giữa Joon Ha và Joo Hye (cho dù sau này mối tình đầu của đời trước lại được đời sau tiếp nối), cũng không khiến tôi tức tưởi và nức nở khi nhìn cảnh anh Ba và Tịnh Thu – người trên giường bệnh hấp hối, người thì cay đắng nghẹn ngào. Nhưng Mùa hè năm ấy đem đến cho tôi cảm giác rất ấm lòng dẫu cho mối tình giữa hai người họ không vẹn.

Once in a summer

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề” phải không? Tôi nghĩ nếu như Jung In và Suk Young nắm tay nhau đi tiếp thì liệu họ có đi đến răng long đầu bạc? Liệu họ có vượt qua rào cản thân phận – môn không đăng hộ không đối? Liệu Suk Young hay Jung In có lạc chốn phù hoa giữa thủ phủ Seoul đầy cám dỗ trong thời thế hỗn loạn, tương tàn?…

Tôi nghĩ Suk Young lúc trai trẻ còn rất nhiều non nớt và thiếu sót để giữ Seo Jung In bình yên đi đến cuối đời với anh. Bởi, anh đã buông tay cô khi chỉ cần cùng nhau đi đôi bước nữa là đến phòng học (anh không biết đi cùng nhau thì làm sao em mệt được?) để rồi không bị cuốn vào thị phi trắng đen… Để rồi khi bị bắt giam, lúc hỏi cung sao anh lại yếu đuối như vậy? 

Đời người có đôi khi bỏ lỡ một lần là lỡ dở cả đời. Sai lầm không phải lúc nào cũng có cơ hội để sửa chữa. Tình, đã lạc mất thì không nên cố chấp mà hãy vui sống với những hồi ức đầy tươi đẹp. Đó mới là trân quý nhất của đời người. 

Tôi nghĩ Suk Young sẽ “lỡ dở” cả đời chỉ để trân trọng những gì mà Jung In đã để lại cho anh…

Một bộ phim đẹp, một mối tình đầy hoài cổ, hoài niệm…có lẽ sẽ làm ấm lòng người giữa thế gian xô bồ, giữa mớ tình cảm hư ảo mơ hồ của đời người này?

Thân ái, Mạc Lộ

You may also like

Leave a Comment