Sau các trận đánh ác liệt tại Vitebsk và Mogilev vào cuối tháng 7/1812, Hoàng đế Napoléon Bonaparte (1769-1821) và Đại quân của ông tiến vào chiếm lấy Vitebsk.

by admin

Xét thấy binh lính đã quá mệt mỏi, rệu rã, Napoléon hạ lệnh cho họ được nghỉ ngơi, bất chấp việc này có thể khiến hai tập đoàn quân chủ lực của Nga hội quân với nhau.

Vấn đề hậu cần vô cùng nhức nhối cho Đại quân, lực lượng của họ ở cánh quân trung tâm chỉ còn một phần ba binh sĩ, nguyên nhân hầu hết là đào ngũ, bệnh tật, kiệt sức. Ngoài ra, một nửa lương thực cho ngựa cũng đã cạn kiệt.

Với thời gian nghỉ ngơi, Napoléon mau chóng cho chấn chỉnh lại hậu cần. Bệnh viện dã chiến được mở ra rất nhiều tại Vitebsk để chữa trị cho lượng thương binh rất lớn. Kaunas cũng được dùng làm nơi đặt trung tâm của lực lượng hậu cần, trong khi Minsk được dùng làm kho dữ trự bột mỳ chính cho Đại quân.

Ngày 2/8/1812, hai tập đoàn quân chủ lực của Nga đã hội quân tại Smolensk. Ngay lập tức, Bộ Chỉ huy tối cao của Nga tổ chức họp để quyết định xem nên tiếp tục rút lui hay ở lại sống mái với Napoléon.

Tình hình tỏ ra rất loạn, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân phía Tây số 1 Aleksey Yermolov (1777-1861) lo lắng vì binh lính đang mệt mỏi và nhuệ khí đang xuống rất thấp. Trong khi Hoàng tử Pyotr Bagration (1765-1812) lại cho rằng Đại quân vẫn còn quá mạnh để quân Nga có thể ở lại chiến đấu. Bản thân Bagration cũng đang không nắm được chính xác thì quân tiên phong Pháp đang đóng ở đâu.

Mikhail Bogdanovich Barklay-de-Tolli (1761-1818) thì càng khó xử hơn, đích thân Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825) viết thư thúc giục ông mau tấn công. Trước tình thế đó, Barklay-de-Tolli chỉ có thể hồi đáp rằng, ông sẽ tấn công Vitebsk vào ngày 7/8/1812. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy do trinh sát báo về rằng lực lượng của Napoléon vẫn rất mạnh.

Về phía Pháp, Napoléon và các Thống chế của ông cũng mở một cuộc họp, nhiều người đề xuất hoãn cuộc xâm lược này lại đến năm 1813 hẵng tiếp tục nhưng Napoléon từ chối, ông muốn dứt điểm Nga trong năm 1812.

Napoléon muốn đánh nhanh, diệt gọn cả hai tập đoàn quân đang đóng tại Smolensk trước khi họ kịp triển khai bất cứ bước đi tiếp theo nào.

Nói là làm, ngày 11/8/1812, Napoléon cho quân bắt đầu di chuyển, đến ngày 14/8/1812 thì vượt sông Dnepr, cuộc giao tranh đã đến rất gần.

Khi quân Pháp tiến về Smolensk, kỵ binh của Thống chế Joachim Murat (1767-1815) đụng độ Sư đoàn 27 Nga của tướng Dmitry Neverovsky (1771-1813) tại Krasny.

7000 bộ binh của Neverovsky xếp thành đội hình hộp rỗng để chống lại các đợt tấn công của những kỵ binh thiện chiến Pháp. Quân Nga thương vong 1500 người nhưng đã cầm chân được Murat.

Việc Murat không thể đột phá được Krasny đã khiến Pháp mất cơ hội làm suy yếu quân Nga. Tuy vậy, họ vẫn còn cơ hội lớn hơn, đó là trận Smolensk.

Smolensk có dân số cỡ 13.000 người vào năm 1812. Đây được mệnh danh là thành phố Thánh của nước Nga, nơi ghi dấu cuộc chiến với Ba Lan trong thế kỷ 17. Napoléon đã thất bại trong việc bao vây quân Nga trước đó, nhưng hiện tại, ông không muốn lặp lại điều đó nữa và chắc chắn một điều rằng quân Nga sẽ sống mái tại thành phố giàu giá trị văn hóa này.

Tối ngày 16/8/1812, Thống chế Michel Ney (1769-1815) và Thống chế Murat mở một cuộc tấn công vào ngoại ô thành phố nhưng quân đoàn của tướng Nikolay Raevsky (1771-1829) đã chiến đấu kiên cường và đẩy lui được quân Pháp.

Sáng hôm sau, quân Nga, với lực lượng 30.000 người của tướng Dmitry Dokhturov (1756-1816) phải căng mình chống đỡ cuộc tấn công trực diện vào thành phố của 50.000 quân Pháp.

Ngoại ô Smolensk mau chóng thất thủ, đến đầu giờ chiều, Napoléon nhận thấy dường như Barklay-de-Tolli sẽ không ra ngoài để ứng chiến, vì vậy, ông hạ lệnh đẩy mạnh tấn công vào trung tâm thành phố.

Kỵ binh Pháp bên cánh phải áp đảo hoàn toàn quân Nga, trên từng góc phố, bộ binh bắt đầu đánh giáp lá cà. Rất nhanh, quân Pháp đối diện với bức tường phòng thủ của thành phố, cao tới 10m. Đạn quân Nga trên tường thành nã xuống như mưa, thương vong của quân Pháp tăng lên nhanh chóng.

Lúc này, pháo binh Pháp bắt đầu phát huy sức mạnh, họ khai hỏa những phát bắn có độ chính xác cao. Thành phố Smolensk mau chóng chìm trong biển lửa, người dân bắt đầu tìm cách sơ tán khỏi thành phố.

Quân Nga vẫn kiên trì bám trụ lại thành phố nhưng đến sáng ngày 18/8/1812, Barklay-de-Tolli nhận thấy tình hình đã không còn thuận lợi, liền hạ lệnh rút về Moscow. Hoàng tử Bagration khi nghe lệnh này đã vô cùng phẫn nộ. Trong khi đó, em ruột Sa hoàng, Chỉ huy Quân đoàn Kỵ binh, Đại Công tước Konstantin Pavlovich (1779-1831) lại cho rằng: “Dường như không có dòng máu Nga trong huyết quản ông ta vậy.”

Nhưng quân lệnh như sơn, lệnh đã ban ra không thể rút lại. Quân Nga bắt đầu rút khỏi Smolensk trong khi quân Pháp vẫn đang tấn công rất mạnh trong sáng ngày 18/8/1812. Sau cùng, Smolensk thất thủ.

Trận ác chiến đã khiến Đại quân tổn thất 7000 người trong khi quân Nga thương vong 11.000 người. Quân Pháp vào chiếm Smolensk thì tất cả chỉ còn là đống hoang tàn, đổ nát, không một bóng người.

Trong khi Smolensk thất thủ và quân Nga phải rút về phía đông thì ở phía nam, giao tranh cũng diễn ra. Lại nói về Áo, họ bất đắc dĩ trở thành đồng minh của Pháp, họ cung cấp cho Đại quân một lực lượng lên tới 30.000 người, đổi lại, Napoléon cho họ kiểm soát tỉnh Illyrian và vùng Galicia. Quân đoàn Áo do Hoàng tử Schwarzenberg Karl Philipp (1771-1820) chỉ huy.

Trước đó, Quân đoàn Áo có nhiệm vụ đến Minsk nhưng sau khi Quân đoàn 7 Saxony bị Tập đoàn quân số 3 của tướng Aleksandr Petrovich Tormasov (1752-1819) đánh bại trong trận Kobryn, họ buộc phải di chuyển xuống phía nam để hỗ trợ quân đoàn này.

Ngày 12/8/1812, Quân đoàn Áo và Quân đoàn 7 Saxony phối hợp tấn công Tập đoàn quân số 3 Nga tại làng Gorodechno. Tuy nhiên hai bên phối hợp rất tệ nên không thể áp đảo được quân Nga.

Quân Nga trụ lại làng trong gần hết ngày, sau cùng, họ vẫn phải rút về sông Styr do cánh trái có nguy cơ bị xuyên thủng. Trận đánh đã khiến quân Saxony và Áo thương vong 2230 người trong khi quân Nga tổn thất 3000 người.

Nhưng trận đánh này đã giúp sườn phía nam của Đại quân đang tạm được an toàn khi mà Tormasov đã phải rút lui. Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài lâu khi Tập đoàn quân Danube của Đô đốc Pavel Chichagov (1767-1849) đang trên đường đến hỗ trợ Tormasov từ Bessarabia.

Quay trở lại với Napoléon, liệu tấn công Smolensk có phải một quyết định sáng suốt? Sỹ quan Phổ Carl von Clausewitz (1780-1831), người phục vụ quân đội Nga trong Chiến tranh Vệ quốc năm 1812, về sau đã nhận định rằng việc tấn công Smolensk là quyết định sai lầm nhất của Hoàng đế Pháp trong chiến dịch trên đất Nga.

(Còn tiếp • Hết phần 6)
———————-
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.

Uci

You may also like

Leave a Comment