Sự phân biệt giới tính trong tiếng Trung

by admin

[T/N: Bản gốc chỉ có từ tiếng Trung và Bính Âm của từ, tuy nhiên mình xin phép bổ sung cả phiên âm Hán Việt hoặc từ thuần Việt cho dễ hiểu nhé]

Lịch sử của sự bất bình đẳng giới để lại dấu vết mọi nơi, kể cả trong ngôn ngữ thường ngày. Và có lẽ chúng tôi cực nhạy cảm với điều này, bởi trường chúng tôi có 3 nữ founder, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng tôi kiến tạo một nơi gọi là trường tiếng Quan Thoại lý tưởng. Ngôn ngữ cũng nên bao hàm, nhưng không phải mọi lúc – vì vậy chúng tôi có những câu chuyện luyện nghe về chuột rút trong kì kinh, và nhân vật chính của các khóa học cho trẻ em là một cô gái tên Mika, cổ thích phiêu lưu hơn bất kì cậu con trai nào khác.

Nhưng nó chậm chí chẳng phải là một giọt nước trong cái đại dương chống lại sự bất bình đẳng hàng thế kỷ qua. Vài học sinh nhận thấy một thành ngữ như “妇孺皆知 – Fùrú jiē zhī – Đàn bà và trẻ con cũng đều biết” cực kì phân biệt giới tính. Nó vốn dùng để nói rằng “ai mà chả biết” nhưng nghĩa đen lại là “phụ nữ và trẻ con biết”, tức ý là phụ nữ cũng chả biết gì như trẻ con. Và cả hàng tá ví dụ khác nữa. Vậy nên, dù đây là nhận thức về sự thiếu sót của ngôn ngữ hay đánh đô ngôn ngữ, chúng tôi vẫn liệt kê ra sự phân biệt giới tính công khai trong tiếng Trung bằng vài phần như này.

Tên con gái

Trong hàng thế kỉ, con gái thường được đặt tên theo những đức tính lí tưởng mà phụ nữ cần có. Thậm chí đến 2022, tên con gái phổ biến vẫn là:

– 梦瑶 (Mèngyáo) – Mộng Dao – Giấc mơ về ngọc, sắc đẹp

– 欣妍 (Xīnyán) – Hân Nghiên – Xinh đẹp, vui vẻ

– 欣怡 (Xīnyí) – Hân Di – vui vẻ

Trong khi tên con trai thì kiểu:

– 子墨 (Zǐmò) – Tử Mặc – Mực tinh luyện

– 浩然 (Hàorán) – Hạo Nhiên – Thẳng thắn, chính trực, bao la

– 奕辰 (Yìchén) – Dịch Thần – Mặt trời lớn, trăng, sao

Điều này không chỉ từ hiện tại.

Thế kỉ trước, tên con gái thì kiểu “招娣”(zhāo dì – Chiêu Đệ), “引娣”(yǐn dì – Dẫn Đệ) cực kì phổ biến, vì nó nghe như “triệu hồi em trai” ấy, với mong muốn người mẹ có thể sinh thêm một quý tử sau cô ấy. Một trong những huyền thoại bóng chuyền Trung Quốc tên là 陈招娣 (Zhaodi Chen – Trần Chiêu Đệ), cô ấy là một thành viên chủ chốt của đội tuyển quốc gia đa vô địch thế giới năm 1981 và 1982, và sau đó tiếp tục trở thành một vị tướng trong quân đội. Thế nhưng khi cha mẹ cô ấy đặt tên như vậy, có lẽ họ đã mong cô ấy là một đứa con trai.

Sự khác biệt trong cách xưng hô

Thời trước, một người con gái sẽ mất đi cái tên của mình khi cưới. Nếu tên chồng cô ấy là 王Wáng – Vương hay 李Lǐ – Lý, cô ấy sẽ trở thành 王氏(Wáng shì – Vương Thị) hoặc 李氏(Lǐ shì – Lý Thị), nghĩa là “Người vợ của gia đình họ Vương/Lý”. Hoặc cô ấy sẽ được gọi là “~嫂” (sǎo – tẩu, để xưng với vợ một người nào đó bằng tuổi bạn). Ví dụ, trong câu chuyện nổi tiếng “The New Year’s Sacrifice – Lễ Tế Năm Mới”, 祝福(Zhù Fú – Chúc Phúc) của Lu Xun (Lỗ Tấn), một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, nhân vật chính tên là 祥林嫂 (Xiánglín sǎo – Tường Lâm tẩu), nghĩa là một người phụ nữ đã cưới Xianglin (Tường Lâm). Chẳng ai biết tên thật của cô ấy cả, thậm chí là họ của cổ. Tiếp theo là từ dùng cho hôn nhân sẽ khác nhau giữa nam và nữ: với người nam cưới người nữ, là “娶进来” (qǔ jìnlái – thú tấn lai – lấy về), nghĩa đen là “đưa một cô gái vào (trong nhà)”, trong khi đối với người nữ thì là “嫁出去” (jià chūqú – giá xuất khứ – xuất giá), nghĩa là “người con gái rời khỏi gia đình và tham gia vào một gia đình khác”. Đối với ông bà, bên nhà gái gọi là 外婆(wàipó – ngoại bà), 外公(wàigōng – ngoại ông), trong đó bộ “外” nghĩa là bên ngoài, cho thấy gia đình bên mẹ không phải là gia đình thân thiết cốt lõi mà chỉ là người ngoài.

Từ “ta” vốn là 他(tā – anh ta). Và khi cả hai giới tính được đề cập, 夫妻 (fūqī – phu thê, chồng và vợ), 兄弟姐妹(xiōngdìjiěmèi – huynh đệ tỉ muội, anh em trai và chị em gái), 父母 (fùmǔ – phụ mẫu, cha mẹ), 爸爸妈妈(baba māma – cha và mẹ), 男女(nánnǚ – nam nữ), từ chỉ đàn ông luôn được viết trước.

Chỉ duy nhất ngoại lệ là “女士们,先生们” (nǚshì men, xiānsheng men – Chúng nữ sĩ, chúng tiên sinh – Ladies and gentlemen) bằng một cách lịch sự nào đó, hoặc do chúng được dịch thẳng từ tiếng Anh.

Tên các ngành nghề

Tiếng Trung tương tự tiếng Anh ở chỗ, nếu ai đó là bác sĩ nam thì chỉ gọi là 医生(yīshēng – y sanh, bác sĩ), còn nếu là bác sĩ nữ thì thêm tiền tố giới tính: 女医生 (nǚ yīshēng – nữ y sanh, nữ bác sĩ), 女飞行员(nǚ fēixíngyuán – nữ phi hành viên, nữ phi công), 女老板(nǚ lǎobǎn – nữ lão bản, sếp nữ), 女总统(nǚ zǒngtóng – nữ tổng thống). Tiền tố chỉ nam dùng khi công việc chủ yếu dành cho nữ, như such as 男清洁工(nán qīngjié gōng – nam sảnh khiết công, nam lao công) , 男阿姨(nán ā‘yí – nam a di, vú nuôi nam), 男幼师 (nán yòushī – nam ấu sư, thầy giáo mầm non) – cho thấy điều này nằm ngoài tiêu chuẩn (sẽ nói thêm về sau, tại sao điều này hủy hoại đi hy vọng của những cô gái).

Hán tự

Hán tự là một phần độc đáo của tiếng Quan Thoại, thậm chí khi bạn không thể nghe được các thành phần của chữ, thì bản thân chữ đã ẩn chứa ý nghĩa tiêu cực đối với người phụ nữ.

Chữ không phải tự nhiên phát triển hay gì đó. Chúng được thiết kế như vậy. Và đúng đó, có vài chữ có chữ “nữ – 女nǚ” mang nghĩa tích cực, điển hình là “tốt” và “an toàn”, thậm chí nó củng cố cho vai trò giới điển hình: 好(hǎo – hảo) là một người phụ nữ (女) và một đứa trẻ (子), và 安(ān – an) là một phụ nữ (女) dưới mái nhà (họ không có ý định đi ra ngoài). Ngược lại, chữ “nam – 男(nán)” lại gồm “ruộng” (田 tián – điền) và “sức mạnh” (力 lì – lực). Trong khi “phụ nữ” còn được tìm thấy trong các từ cho “ghen tị” (妒 dù – đố), “nghi ngờ” (嫌 xián – hiềm), “nô lệ” (奴隶 núlì), “ác quỷ” (妖 yāo – yêu).

Đây là vài ví dụ, được liệt kê trong bài báo của Victor Mair, hoặc sách của Karmen Hui, Tan Sueh Li, và Tan Zi Hao:

– jiān 奸 – gian (tà ác, bội bạc, phản bội, quan hệ bất chính)

– jiān 姦 – gian (ngoại tình, ăn chơi trác táng, h.iếp d.âm)

– nú 奴 – nô (người giúp việc, nô lệ)

– jí 嫉 – tật (ghen tị, đố kị)

– jídù 嫉妒 – tật đố (ghen tị, đố kị)

– yín 婬 – dâm (sự dâm dục)

– xián 嫌 – hiềm (nghi ngờ, ý đồ xấu, tranh cãi, phẫn nộ, không thích)

– nǎo 嫐 – gợi (vui chơi, tán tỉnh) – chữ này có hình dạng 1 người nam kẹp bởi 2 người nữ

[T/N: có 1 chữ khác là 嬲, 2 nam kẹp 1 nữ, mang nghĩa là chòng ghẹo]

– lán 婪 – lam (tham lam, háu ăn)

– pīn 姘 – phanh (ngoại tình, quan hệ tình dục bất chính)

– yāo 妖 – yêu (quái vật, quỷ, quỷ lùn, phù thủy, bóng ma, mê hoặc, gợi tình, lạ lùng, kì quái, siêu nhiên)

– jì 妓 – kỹ (gái đi.ếm)

– chāng 娼 – xướng (gái đi.ếm)

– biǎo 婊 – biểu (gái đi.ếm)

– piáo 嫖 – phiêu (chơi đi.ếm)

– wàng 妄 – vọng (ngớ ngẩn, ngu ngốc, liều lính, sai trái, phi lý, tự phụ, xa hoa, dốt, ngốc nghếch, hoang dã, điên cuồng, v.v.) nói chung là mọi nghĩa phỉ báng

Tất nhiên, không phải mọi từ có bộ “nữ” đều là tiêu cực:

– xìng 姓 – tính (họ trong danh tính/họ tên); lưu ý rằng một vài họ lâu đời nhất Trung Quốc, như jiāng 姜 – Khương và jī 姬 – Cơ, có chứa bộ nữ, thể hiện cho một xã hội mẫu hệ.

– wēi 威 – uy (lực, sức mạnh, thống trị)

– zī 姿 – tư (vẻ ngoài, cử chỉ, tư thế, thường chỉ sự hùng vĩ)

– tuǒ 妥 – thỏa (thích hợp, phù hợp, sẵn sàng, thỏa đáng)

Thành ngữ

Thành ngữ là một cách nhanh chóng để truyền đạt một ý nghĩa lớn hơn, một phần của ngôn ngữ và ý nghĩa mà người nói nó hiểu được. Chúng ta hiếm khi thắc mắc về nghĩa đen của một thành ngữ hoặc cách diễn đạt, chẳng hạn như “Once in a blue moon” hoặc “cool as a cucumber” hoặc “when pigs fly” hoặc “let the cat out of bag. Tại sao lại là một mặt trăng xanh? Tại sao lại là một quả dưa chuột?

Nhưng những câu thành ngữ không chỉ ẩn chứa những ý nghĩa phỉ báng mà chúng còn củng cố chúng. Một trong số chúng xuất hiện trong lời dạy của Khổng Tử. Đây là bản dịch của James Legge:

“Sư phụ từng nói, ‘Trong tất cả mọi người, con gái và người hầu là những người khó để cư xử nhất. Nếu bạn đã quen thuộc với họ, họ sẽ mất đi sự khiêm tốn. Nếu bạn duy trì sự phòng bị đối với họ, họ sẽ không hài lòng.’”

Và điều đó tạo ra thành ngữ “唯小人与女子难养也,近之则不逊,远之则怨 – Wéi xiǎo rén yǔ nǚzǐ nán yǎng yě, jìn zhī zé bù xùn, yuán zhī zé yuàn” (“Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” tức là khó mà sống chung với đàn bà và tiểu nhân, thân quá thì họ nhờn, mà xa cách thì họ oán trách), vẫn là một phần của tiếng Trung đến ngày nay. Chúng ta ca ngợi Khổng Tử bởi sự thông thái, nhưng điều đó chỉ gói gọn trong thơ ca. Những thành ngữ khác là:

– 夫唱妇随Fūchàng fùsuí (phu xướng phụ tùy – chồng hát vợ hòa thanh) & 男才女貌náncái nǚ mào (trai tài gái sắc – con trai thì cần thông minh, con gái thì cần đẹp) – nhưng được dùng với nghĩa một cặp đôi hoàn hảo

– 妇孺皆知Fùrú jiē zhī (phụ nhụ giai tri – đàn bà và trẻ con đều biết – ý bảo phụ nữ cũng dốt như trẻ con) – nhưng dùng với nghĩa “mọi người đều biết”

– 妇人之仁Fù rén zhī rén (phụ nhân chi nhân – lòng tốt của bạn chỉ như trái tim yếu đuối của người phụ nữ đã lấy chồng, để tả một người thiếu kiên quyết)

– 贤妻良母 Xián qīliáng mǔ (hiền thê lương mẫu – vợ hiền mẹ tốt) & 相夫教子xiàng fū jiàozǐ (tướng phu giáo tử – giúp chồng dạy con) – nghĩa đen là “nuôi dạy con là việc của đàn bà”, dùng để tả một người vợ, người mẹ tốt

– 人老珠黄 Rénlǎo zhūhuáng (nhân lão châu hoàng – ý nói phụ nữ già giống như trang sức mờ), 残花败柳 cánhuā bài liǔ (tàn hoa bại liễu – phụ nữ già như hoa và liễu bị vùi dập bởi gió), những câu này dùng cho phụ nữ già. Trong khi đó, đàn ông có câu 男人四十一枝花 nánrén sìshī yīzhīhuā (nam nhân tứ thập nhất chi hoa, người đàn ông như một cành hoa khi họ 40 tuổi)

Tại sao nó là vấn đề?

Đây không phải chuyện vặt vãnh tầm thường trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ và phân biệt giới tính đi đôi với nhau. Và nó hoạt động theo hai cách: thuyết Freud trượt dốc làm lộ những quan niệm phân biệt giới tính, trong khi ngôn ngữ củng cố cho những thứ khác. Nếu một đứa trẻ nghe thành ngữ “妇孺皆知” nghĩa là “ai cũng biết” nhưng nghĩa đen là “phụ nữ dốt như trẻ con”, thì cái gì sẽ dạy trẻ?

Ngôn ngữ không chỉ là những suy nghĩ của chúng ta chuyển thành từ ngữ, nó còn hoạt động như một khuôn khổ cho tư duy. Chúng ta có thể đưa ra hai ví dụ. Nhà môi trường học Philip Wollen đưa ra điều thứ nhất: “Khi động vật làm gì đó cao thượng, chúng ta bảo rằng chúng đang cư xử ‘như con người’. Khi con người làm gì đó không vừa ý, ta bảo họ cư xử ‘như động vật’. Điều này làm chúng ta lầm tưởng rằng động vật là thấp kém và chỉ tồn tại một lần.”

Giám đốc quảng cáo Rory Sutherland giải thích rằng bằng cách tạo ra những cụm từ, bạn có thể thay đổi cách mọi người suy nghĩ, quyết định, và hành xử. Điều này có thể tích cực, thuật ngữ ‘Designated Driver – tài xế chỉ định’ bởi không có từ nào hợp lí để đặt cho người không uống rượu bia đưa người khác về nhà. Nếu không có một cái tên, thật khó để đưa hành vi đó thành tiêu chuẩn. Và sau đó thuật ngữ ‘Designated Driver’ được tạo ra. TV series được khuyến khích sử dụng thuật ngữ trong các tập để đưa chúng vào ngôn ngữ thường ngày.

Ở trường hợp tiêu cực, định kiến được thúc đẩy bởi ngôn ngữ rập khuôn. Trong ngôn ngữ, chúng ta đề cập đến một điều rõ ràng nếu chúng không đúng khuôn mẫu, chẳng hạn “working mother” hay “caring father”. Những định kiến này xảy ra theo cả hai cách, nhưng chúng đều chống lại phụ nữ.

Nếu một bác sĩ là nữ, tiền tố giới tính được thêm vào, nhưng nó lại không xảy ra nếu bác sĩ là nam. Và cô gái muốn trở thành bác sĩ cần phải kiên định bảo vệ hoặc giải thích lựa chọn của mình, vì nó lệch khỏi tiêu chuẩn. Đàn ông không thể trở thành người lao công, bởi tên công việc là 阿姨(Āyí, cô lao công). Cô giáo của chúng tôi, Emily, kể một câu chuyện về người anh họ của cổ, người muốn trở thành giáo viên mầm non bởi anh ấy yêu trẻ con rất nhiều, nhưng cha mẹ ảnh lại thấy sai trái và hổ thẹn.

Có một từ là ‘housemom’ (家庭妈妈) nhưng không có ‘housedad’ (宅爸爸). Phụ nữ được kì vọng sẽ chăm sóc con cái (贤妻良母 – hiền thê lương mẫu), trong khi đàn ông cần có công việc (男才女貌 – nán cái nǚ mào – nam tài nữ mạo). Tương tự với “leftover woman”(剩女shèngnǚ – thặng nữ/thừa nữ), một thuật ngữ xúc phạm sâu sắc. Với cái tên đó, phụ nữ dễ bị bêu xấu hơn nhiều, nhưng thuật ngữ tương đương cho đàn ông thì không tồn tại hoặc không được sử dụng nhiều. Phụ nữ làm quản lý trong các công ti thường phải giải thích cách họ cân đối công việc và chăm sóc gia đình và liệu họ có cảm thấy tội lỗi về điều đó – đàn ông không bị hỏi vậy.

Vòng luẩn quẩn mà cô gái muốn trở thành bác sĩ thường xuyên phải đối mặt với ngôn ngữ khuôn mẫu, ngôn ngữ phân biệt giới tính, dẫn đến việc nghi ngờ về bản thân, thiếu tự tin, và thể hiện kém. Hiệu suất thấp sẽ gây ra hình ảnh tệ hoặc không phù hợp với vai trò đó. Và cuối cùng ngôn ngữ rập khuân sẽ góp phần làm người phụ nữ bị đánh giá thấp hơn ở vị trí cao.

Chúng tôi mong đợi gì ở bài viết này? Dù chúng tôi không thể thay đổi ngôn ngữ, chúng tôi cũng có thể làm bạn nhận thức được phần nào.

_____________________

Tôi khá ngạc nhiên là “引娣” (yǐn dì – Dẫn Đệ) là một cái tên phổ biến trong khi nó đồng âm với âm vật (阴蒂 yīndì).

Người bạn nói tiếng Hoa của tôi đã cười cái tên Indy/Indie trước đó và giải thích về âm của nó trong tiếng Trung. Tôi nên bảo anh ấy về những linh hồn không may mắn được đặt tên 引娣 bởi mấy người nói tiếng Hoa.

_____________________

u/soft-hearted (45 points)

Bài viết thú vị nhưng chỗ lao công thì không đúng. Trong tiếng Trung, từ người lao công là 清洁工人 (qīngjié gōngrén – sảnh khiết công nhân); nhưng chúng tôi không nói vậy trong các cuộc nói chuyện. Chúng tôi gọi là là 阿姨 (ǎyí – Cô/Dì) nếu họ là nữ hoặc 叔叔 (shūshū – thúc thúc – chú) nếu họ là nam, bằng cách nào đó thì bạn lại trộn chúng lại.

_____________________

Còn 1 comment phản bác lại OP, do khá dài nên mình sẽ up ở phần 2 nhé 

Dịch bởi Kryukix.

You may also like

Leave a Comment