Tại sao con người ta thỉnh thoảng cứ buồn mà chẳng có lý do?

by admin

Nè, để tớ trả lời cho! 

Tâm trạng của chúng mình bị ảnh hưởng bởi một số chất hoá học cụ thể trong não như: serotonin, dopamine, glutamate và norepinephrine (còn nhiều nữa, nhưng đây là những chất chính). 

Cậu không cần phải quan tâm nhiệm vụ của từng chất đâu. Quan trọng là cậu phải hiểu rằng những chất này còn chịu trách nhiệm cho nhiều thứ trong cơ chế hoạt động não bộ khác chứ không riêng mỗi tâm trạng. 

Nếu cậu từng sống trong một ngôi nhà có hệ thống dây điện cũ kĩ hoặc được lắp đặt kém, cậu có thể nhận thấy rằng một khi những thiết bị lớn (như máy giặt hoặc tủ lạnh) được khởi động, đèn ở các nơi khác trong nhà sẽ mờ đi.

Não bộ chúng mình cũng thế.

Lượng hoá chất chúng mình có (và cách chúng tương tác), phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tớ sẽ không liệt kê tất cả, vì điều đó là không thể. Nhưng đây là một số cái chính nè:

• Chế độ ăn (có thể là tuyệt vời hoặc khủng khiếp)

• Thời gian

• Tình trạng thể chất (cũng có thể là tuyệt vời hoặc khủng khiếp)

• Các yếu tố gây căng thẳng bên ngoài (như kiểu có tiếng ồn lớn hay phải ngồi trên một chiếc ghế không thoải mái)

• Các yếu tố gây căng thẳng bên trong (như tập thể dục hoặc bệnh tật)

• Các yếu tố gây căng thẳng tinh thần (như lo âu hay là hạnh phúc)

Khi cơ thể sử dụng các hóa chất này để khiến mình thích nghi với cái môi trường thay đổi kia, đôi khi nó phải phân bổ các hóa chất trong não theo cái cách mà sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng. Nó có thể “làm xỉn” chúng mình, giống như làm những bóng đèn mờ đi. 

Tuy nhiên, vì chúng mình sẽ chẳng thể thấy được não đang dùng những chất này để làm cái gì, nên mới thành ra không biết lý do ở đâu. 

Lưu ý rằng trên kia tớ đã viết cả những điều “tích cực” và “tiêu cực” nhé. 

Cái tệ hại của rối loạn tâm lý gây ra bởi mất cân bằng hoá chất là đôi khi những điều tuyệt vời có thể mang lại tâm trạng tiêu cực. 

Nếu cậu đang trải qua những cảm xúc trên thì đây là một số gợi ý. Tớ trải qua rồi, thực tế thì tớ ước có ai đó đã nói cho mình những điều tớ sắp nói dưới đây. 

Đầu tiên, tớ xin từ chối trách nhiệm nếu có bất kì chuyện gì xảy ra: Tớ không phải là bác sĩ, đây không phải là lời khuyên y tế và nếu có thể, cậu nên cố gắng tìm một bác sĩ tâm lý nếu tâm trạng đấy ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. 

Tuy nhiên, tớ biết rằng đôi khi mình không thể đi gặp bác sĩ/ nhà trị liệu vì tài chính (hay nhiều vấn đề khác), vì vậy đây là một số kỹ thuật khiến tớ tốt hơn. 

Chúng có thể không giúp cậu nhiều, nhưng ít nhất cũng cho cậu một xuất phát điểm, và mong rằng cậu sẽ có thể kiểm soát được bản thân mình thay vì bị những yếu tố khác can thiệp.

Cho dù cậu có tìm kiếm một nhà trị liệu ngay lập tức hay không, tớ hy vọng cậu có thể sử dụng những điều này như một biện pháp ngăn chặn cho đến khi tìm được chuyên gia thực sự

* Hít một hơi thật sâu, và nhớ rằng đây là một chuyến đi. Tớ thường ra ngoài khi thấy buồn. Nó giúp tớ hiểu rằng dù có tồi tệ, đây cũng chỉ là một chuyến đi thôi. Và chỉ cần cố thêm một phút/ một giây/ một ngày, mọi thứ sẽ tốt dần lên.

* Uống một cốc nước đầy. Thiếu nước có thể làm tớ suy sụp kể cả khi trước đó đang rất vui. Uống nước, ngồi một lúc, và xem có cảm thấy tốt hơn không nhé.

* Tâm trạng xấu không biến cậu thành người xấu. Tớ được nuôi dậy rằng tớ là một kẻ tồi tệ, và sẽ luôn như thế. Kể cả khi cậu không theo đạo, một số nền văn hoá gán cho chúng ta một chuẩn mực đạo đức, rằng phải trở nên tốt hay hữu ích như thế nào. Một tâm trạng xấu có thể khiến tớ chẳng làm nổi việc gì, nhưng nó không khiến tớ trở thành một người xấu hay là vô dụng. Tớ là một người tốt đang trong khoảng thời gian khó khăn mà thôi. 

*Khóc. Tớ thường không có thời gian dành cho việc buồn bã. Đôi khi nhiều việc nhỏ cứ chồng chất lên nhau và khiến tớ muốn khóc một trận cho đã đời. 

* Ăn gì đó. Càng lành mạnh càng tốt. Có một câu nói nổi tiếng “Đồ ăn là phương tiện sơ khai để chống trầm cảm” và đúng là như vậy. Tớ thường đi tìm những món bổ dưỡng, nhưng nếu không có gì xung quanh và tớ chỉ còn đồ ăn vặt để sống qua ngày (một vấn đề của văn hoá Phương Tây, nhất là Mỹ) thì cũng ổn thôi.

* Nếu cậu không thể ăn uống lành mạnh, hay có vấn đề về việc ăn quá nhiều, hãy áp dụng “ăn ít một xíu”. Một người bạn đã nói với tớ “Ý chí là một loại cơ bắp. Mình cứ chậm chậm mà tập thôi.” Câu nói này đã thay đổi cuộc đời tớ. Thừa cân và buồn bã song hành với nhau, như kiểu Strong Sad trong Homestar Runner cùng đội với một Strong Sad khác í (lạy chúa mong rằng đây không phải một ví dụ tệ). 

Nên là, khi bắt đầu bằng việc kiểm soát cân nặng, tớ đã ăn/ uống ít đi một chút so với hàng ngày: nếu bình thường uống ba cốc soda, thì giờ chỉ hai. Nếu thường ăn năm mẩu pizza, thì giờ chỉ ăn bốn. Bằng cách đó tớ đã từ từ luyện cho cơ thể. Không nhất thiết phải chuyển thành đồ ăn bổ dưỡng. Nhưng. Tớ đã tập được thói quen tốt và sẽ dần có được những sự lựa chọn đồ ăn lành mạnh khác cho bản thân.

* Uống men tiêu hoá “probiotics”. Sức khoẻ đường ruột có thể cải thiện tâm trạng. Nếu cậu không thể mua được men tiêu hoá, uống sữa chua cũng có thể đưa lợi khuẩn vào dạ dày. Cứ cải thiện bữa ăn là tâm trạng sẽ lên ngay ấy mà.

* Một số chất dị ứng thông thường có thể làm hư đường ruột. Tớ không có ý thô thiển đâu nhưng nhiều người thường không nghĩ đến vấn đề này. Thú thật là tớ từng có vấn đề với đầy hơi/ tiêu chảy trong nhiều năm. Hoá ra là do dị ứng thức ăn, và khi bỏ những thứ đó khỏi thực đơn thì sức khoẻ đường ruột của tớ đã được cải thiện một cách không thể tin nổi. 8 loại thực phẩm này gây ra 90% vụ dị ứng thức ăn. Tớ từng thử bỏ một thứ ra khỏi chế độ ăn, nếu không thấy có gì cải thiện thì lại cho vào:

• Sữa (nhất là ở trẻ con)

• Trứng.

• Đậu phộng.

• Các loại hạt, như óc chó, hạnh nhân, hạt thông, hạt brazil và hồ đào.

• Đậu nành.

• Lúa mì và các loại ngũ cốc khác chứa gluten, bao gồm lúa mạch, lúa mạch đen và yến mạch.

• Cá (chủ yếu ở người lớn)

•  Động vật có vỏ (chủ yếu ở người lớn)

* Dọn sạch “thêm một chút”. Cũng giống như “ăn ít một xíu”. tớ rèn ý chí của mình bằng việc làm thêm một chút so với bình thường. Nếu hôm qua tớ không làm gì, tớ sẽ bỏ một chiếc tất vào thùng. Rồi hôm sau tớ sẽ lại bỏ hai chiếc. Cứ như thế. Nếu tớ mệt đến nỗi gục xuống giường thì đó chính là sự cải thiện. Nghe hơi ngu ngốc nhỉ, nhưng Stephen King đã nói: “Nghe có vẻ quá đơn giản để là sự thật, nhưng nhìn Vạn Lý Tường Thành mà xem, nếu cố gắng: mỗi lần một viên gạch. Chỉ cần thế thôi. Mỗi lần một viên gạch… Cậu sẽ thấy cái quỷ quái đó từ ngoài vũ trụ mà chẳng cần đến ống nhòm đâu.”

* Đi tắm. Sạch sẽ cải thiện tâm trạng đấy.

* Đi bộ. Gretel Ehrlich từng nói ” Đi dạo là cách giúp đầu óc được dạo chơi.” 

* Cố gắng kiểm soát stress bằng mọi cách. Tớ đã tập yoga, tình nguyện, uống thuốc, tự xoa đầu mình, dãn cơ, hít thở sâu, hét toáng lên, đấm vào bao, nâng tạ, giúp đỡ bạn bè, viết lách, nghe nhạc và cả tá thứ khác. Tớ thử mọi cách có thể, về tiếp tục những việc khiến tớ tốt hơn.

* Viết một điều tích cực về bản thân. Lúc mới nghe thì tớ cũng thấy ngốc nghếch lắm, nhưng tớ quá tuyệt vọng nên đã thử. Nó hoạt động đấy. Tớ đã viết mấy thứ như kiểu “Mình yêu mình lắm”, “Mình là người tốt chuyên làm việc tốt nè”. “Mình rất giỏi ở __________” hay “Mình rất xinh đẹp” và một đống thứ khác trước gương. Nên là mỗi lần nhìn vào gương tớ lại lẩm bẩm lại tầm 10 lần như thế. Nó dần trở thành những lời độc thoại nội tâm của tớ, và tớ cảm thấy tuyệt hơn nhiều á.

Tớ không có ý thuyết giáo đâu, và những cái trên có lẽ cũng chẳng giúp được gì. Nhưng tớ mong là có. Nếu thấy buồn và cần người tâm sự, hãy nhắn cho tớ (Trans: yep, các cậu có thể nhắn tớ, dù không chuyên nghiệp được như OP). Tớ luôn muốn giúp các cậu trải qua những điều tớ từng bị.

Nếu cậu cảm thấy không muốn sống thì những lời khuyên trên có lẽ sẽ chưa đủ để các cậu thấy ổn định đâu. Nếu cần người nói chuyện, hãy thử /r/depression hay /r/suicidewatch.

Mong là sẽ giúp được các cậu. Yêu các cậu.

___________________

Trans Nguyễn Phương Linh

You may also like

Leave a Comment