A: Spencer Alexander McDaniel, Cử nhân Lịch sử, Đại học Indiana Bloommington (2022)
——————–
À, mấy con mèo trung cổ xấu hoắc ấy hở. Mấy con mà bạn bắt gặp trong 1 mớ hình trên mạng và bị người ta gọi là “mèo trung cổ”:
Chà, trông nó xấu đau đớn! Chắc mẻm chắc mấy tay họa sĩ trung cổ này bất tài lắm?
Cơ mà sự thật là: cả hai bức họa mèo trên đều không phải từ thời trung cổ.
Mà chúng xuất phát từ tay 1 họa sĩ người Colombia tên là Fernando Botero. Ông sinh năm 1932 và hiện vẫn còn sống. Các tác phẩm gần đây nhất của ông bao gồm tranh về hình ảnh những tù nhân bị tra tấn tại Abu Ghraib.
Chúng ta thấy bức tranh thứ hai nhan nhản trên mạng suốt dưới cái tên “mèo trung cổ”. Tuy nhiên, nó không phải từ thời trung cổ – một điều đáng ra phải hiển nhiên vì trong tranh có cả nĩa ăn, ấm trà và tay nắm cửa theo kiểu dáng hiện đại. Đến phong cách của cái ghế đằng sau con mèo cũng rõ ràng không phải phong cách trung cổ. Còn hai trái chuối ở dưới chân nó thì càng không. Thời trung cổ ở Châu Âu, không ai biết chuối là gì cả.
Có 1 sự thật đáng buồn là cứ khi nào người ta thấy 1 bức tranh vẽ mèo xấu thật xấu thì họ tự động cho rằng nó là tranh trung cổ. Buồn vì thật ra hội họa thời trung cổ lại lý thú và hay ho hơn người ta tưởng nhiều.
Dẫu vậy, tư tưởng trên chỉ là một phần nguyên nhân giải thích tại sao mọi người cho rằng mèo trong các tác phẩm trung cổ đều xấu xí. Một nguyên nhân khác đơn thuần là vì: kể cả trong các tác phẩm trung cổ chính tông, mấy con mèo trông cũng xấu thật.
Ít nhất 1 vài trường hợp là thế.
Ví dụ, đây là 1 số hình ảnh minh họa mèo tôi đính kèm trong 1 bài viết ngày hôm qua:
Mấy con mèo này trông không giống mèo ở ngoài đời.
Trong bài viết đăng hồi tháng 10/2019, tôi có thảo luận về khả năng tồn tại một giả thuyết giải thích tại sao chúa Giê-su sơ sinh thường được minh họa với hình dáng một người đàn ông trung niên trong các biểu tượng thời trung cổ.
Có thể cũng có một giả thuyết tương tự cho việc tại sao các họa sĩ thời trung cổ vẽ mèo trông như tay sai quỷ dữ. Dù sao, mèo vốn dĩ hay bị liên tưởng với Ác quỷ trong các văn bản thời trung cổ rồi.
Tôi không phủ định kiểu giải thích này 100%, nhưng tôi thấy nó không thực tế lắm. Vì thứ nhất, tất cả các bức tranh về mèo tôi để bên trên đều là tranh minh họa bản thảo. Nhìn chung, các tranh minh họa bản thảo thường ít bị ảnh hưởng bởi tôn giáo hơn các hình vẽ biểu tượng. Do biểu tượng vốn dĩ thuần tuý vì mục đích tôn giáo trong khi tranh minh họa chỉ dùng để làm các văn bản – có thể liên quan hoặc không liên quan đến chủ đề tôn giáo – trông sống động hơn.
Ngoài ra, như đã đề cập ở bài viết đầu, không phải lúc nào mèo cũng bị liên hệ với Qủy dữ vào thời Trung cổ; thỉnh thoảng người ta vẫn xem chúng là những con vật có ích giúp tống khứ sâu bọ. Vì vậy, trừ khi có sẵn hình ảnh một con mèo trong ngữ cảnh hoàn toàn liên quan tới Satan, ta không thể kết luận mèo được dùng với mục đích đại diện cho Satan.
Nên suy cho cùng, tôi nghĩ có hai nguyên nhân tại sao mèo trung cổ trông kỳ khôi vậy:
- Hội họa trung cổ nói chung đều có tính cách điệu cao và các họa sĩ trung cổ không cố gắng khắc họa lại thế giới hiện thực chính xác 100%. Nói cách khác, khi ta thấy mèo trong một bức tranh trung cổ, ta phải hiểu rằng nó ít hay nhiều chỉ là một biểu tượng đại diện chứ không phải thật sự là bản khắc trung thành hình ảnh mèo ngoài đời thật.
- 2.Trình độ tay nghề hội họa sẽ dao động tùy từng cá nhân. Có thể một số họa sĩ minh họa bản thảo thời trung cổ đơn giản thiếu kỹ thuật để vẽ tả thực lại một con mèo. Ta không dám nói chắc toàn bộ họ đều vậy, nhưng hẳn cũng phải có 1 vài người thế.
Và đây là những lý do tốt nhất mà tôi có thể đề xuất cho bạn.