Thử thách đối với FRIENDS WITH BENEFIT

by admin

Tập 3 của Trốn Tìm podcast mùa 2 là một tập thú vị với những vấn đề nan giải mà chúng ta dễ bắt gặp trong cuộc sống, ví dụ như những mối quan hệ mập mờ, chuyện ngoại tình, tính cách gia trưởng. Bên cạnh hai host quen thuộc là chị Hoài Thương và anh Nghĩa Đỗ, tập 3 còn có sự tham gia của TikToker TruyD với vai trò khách mời.

Bên cạnh sự tươi vui và năng động, mình còn rất thích cách trả lời thẳng thắn mà không kém phần đúng đắn của TruyD về vấn đề friends with benefit (FWB). Nếu bạn là người đang ở trong mối quan hệ FWB và lỡ phải lòng người kia, bạn không nên tỏ ra khó chịu hay ghen tuông nếu người kia không xem bạn là người yêu, bởi vì “có sức chơi thì có sức chịu”.

TruyD có nhầm lẫn một chút về khái niệm FWB, rằng FWB là hai người bạn chơi với nhau vì một lợi ích nào đó về tiền bạc, công việc, hoặc t.ình d.ục,… Tuy nhiên, theo mình được biết, FWB chỉ liên quan đến mặt tình d.ục thôi. Friends with benefit chỉ những người quan hệ t.ình d.ục thường xuyên với nhau nhưng không có tình cảm nghiêm túc, không có ràng buộc về mặt trách nhiệm.

Friends with benefit chỉ những người quan hệ t.ình d.ục thường xuyên với nhau nhưng không có tình cảm nghiêm túc, không có ràng buộc về mặt trách nhiệm.

Mới nghe thì FWB có vẻ là ý tưởng hay ho. Vừa có một người để tận hưởng những trải nghiệm thân mật về mặt thể xác, lại vừa có thể tự do gặp gỡ những người khác mà không sợ bị “đánh ghen”. Thế nhưng cuộc sống đâu có dễ dàng như vậy. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng diễn ra đúng kế hoạch.

Vấn đề là, lúc mới bước vào quan hệ FWB, người ta không bao giờ nghĩ rằng cảm xúc của họ sẽ biến thành tình yêu. Nhưng sau một khoảng thời gian tiếp xúc với nhau, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng.

Nhiều mối quan hệ FWB đã diễn ra như thế này:

Hai người gặp nhau trong lúc cả hai đều đang có nhu cầu về mặt tiếp xúc t.ình d.ục nhưng lại không tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc. Họ hợp cạ về chuyện chăn gối, họ có thể thân thiết với nhau nhưng chỉ xem nhau ở mức “bạn bè”. Họ trở thành FWB của nhau, biết rằng giữa mình và đối phương không phải là mối quan hệ lãng mạn nghiêm túc.

Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến khi một trong số họ nảy sinh tình cảm với đối phương và muốn mối quan hệ này tiến xa hơn. Người này gặp khó khăn trong việc thổ lộ, bởi vì ngay từ đầu cả hai đã thống nhất là sẽ không tiến tới yêu đương nghiêm túc. Người này cảm thấy buồn và bất lực khi thấy đối phương vô tư gặp gỡ những đối tượng khác. Hoặc giả, người này bộc lộ sự ghen tuông và tỏ ra muốn khống chế đối phương, khiến cho đối phương thấy khó xử và muốn cắt đứt quan hệ ngay lập tức.

“Có sức chơi thì có sức chịu”, cho dù tình yêu của người này là chính đáng thì việc đi chệch khỏi những thỏa thuận ban đầu đã là sai lầm. Việc thổ lộ không chắc sẽ khiến người này được đón nhận như một người bạn trai/bạn gái để hẹn hò, bởi vì trong thâm tâm, đối phương vẫn chỉ xem người này là “bạn giường” không hơn không kém. Tất cả những gì nhận về là một mối quan hệ đã đổ vỡ cùng với sự tổn thương. Để chữa lành sự tổn thương ấy cần tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lượng.

Thường thì FWB mang đến sự khó chịu cho một hoặc cả hai người trong mối quan hệ ấy. Cho nên là nếu bạn đang thực sự tìm kiếm một tình yêu lâu dài thì đừng dấn thân vào FWB nha!

Trốn Tìm podcast tập 3 đã cho mình một số góc nhìn mới và lời khuyên hữu ích về tình yêu. Tuy nhiên, có một điểm mình không hài lòng. Mình thấy chương trình ghi rằng friends with benefit nghĩa là “bạn bè nương tựa”, nghe có vẻ không đúng lắm. Hy vọng chương trình có thể ghi đầy đủ nghĩa của cụm từ này để người xem không bị nhầm lẫn.

You may also like

Leave a Comment