Vì sao ông Tập bất ngờ tôn vinh “Tổng bí thư xấu số” của Trung Quốc? 

by admin

Trong lịch sử hiện đại của đảng CSTQ, nhất là sau khi đánh đổ Lũ bốn tên hoành hành trong Đại Cách mạng văn hóa vô sản (Cách mạng văn hóa, 1966 -1976), ba TBT có nhiều công lao là Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Nhưng cả ba TBT này đều bị xử lý oan mà tới nay vẫn chưa chính thức được minh oan vì thuộc vấn đề chính trị nhạy cảm mà không tiện khui ra, vì nếu khui ra sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội Trung Quốc.

Khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đang từng bước tháo gỡ dần những vấn đề chính trị nhạy cảm này mà trước tiên đối với cố TBT Hồ Diệu Bang. Sau 26 năm khi ông qua đời (1989), đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Lễ kỉ niệm trọng đại nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông (20/11/1915 – 20/11/2015). Dư luận cho rằng đây là dấu hiệu đáng lưu ý.

Hồ Diệu Bang sinh ngày 20/11/1915 tại Lưu Dương tỉnh Hồ Nam. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong thời kỳ chống Nhật, ông từng là Phó Ban tổ chức thuộc Tổng cục chính trị, Quân ủy trung ương, từng làm Chính ủy và Chủ nhiệm chính trị của các Tung đội 3, Tung đội 4 và Binh đoàn 18. Năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa thành lập, ông từng giữ các chức vụ như Bí thư thứ nhất Đoàn thanh niên cộng sản, Phó Giám đốc Viện khoa học, Phó Giám đốc trường đảng trung ương, Trưởng ban tổ chức trung ương. Ông cũng như nhiều cán bộ lãnh đạo lão thành khác bị quy oan trong Cách mạng văn hóa. Sau khi Lũ bốn tên bị đập tan, ông được minh oan và được bầu là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư trung ương kiêm Trưởng ban tuyên giáo trung ương. Ông từng giữ chức Chủ tịch đảng thay Hoa Quốc Phong từ 6/1982 tới 9/1982, tiếp đó là TBT từ tháng 9/1982 tới 1/1987.

Sau khi lên nắm quyền, Hồ Diệu Bang đã thực hiện một loạt các chính sách mới. Về đối nội, trước tiên ông minh oan cho hơn 5.000.000 trí thức và hơn 3.000.000 cán bộ lão thành bị quy oan trong Cách mạng văn hóa. Bởi vậy, thời kỳ này được dư luận Trung Quốc coi là Mùa xuân của tri thức. Ông xóa bỏ chế độ cán bộ lãnh đạo giữ chức suốt đời, đề xướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Những cán bộ trẻ được bồi dưỡng, đào tạo trong thời kỳ của ông có Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường, Hồ Khởi Lập, Lưu Diên Đông, Lý Thiết Ánh, Vương Triệu Quốc cùng nhiều thanh niên trí thức khác. Một chính sách nữa đáng lưu ý là Hồ Diệu Bang dám phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhằm vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng và Nhà nước. Ông thực hiện cải cách lại cơ cấu kinh tế và bộ máy nhà nước, đồng thời mở rộng dân chủ trong nhân dân. Về đối ngoại, ông thực hiện mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, nhất là với các nước Mỹ, Nhật và Phương Tây. Ông kêu gọi cần học tập và tiếp thu phương thức quản lý kinh tế tiên tiến, thực hiện xã hội văn minh và giá trị dân chủ của các nước Phương Tây.

Những đường lối và chính sách này làm Trung Quốc trong thời kỳ Hồ Diệu Bang có bước phát triển lớn, xã hội phồn vinh, thậm chí khi đó ông Đặng Tiểu Bình từng nói khi tiếp khách nước ngoài rằng: Trung Quốc giờ đây không sợ trời sập xuống vì đã có hai đồng chí Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương chống đỡ. Nhưng trớ trêu thay, lời nói của ông Đặng Tiểu Bình chưa được bao lâu thì Hồ Diệu Bang bị hạ bệ do những đường lối chính sách cải cách mở cửa của ông đã đụng chạm tới quyền lợi của phái bảo thủ mà điển hình là một số cán bộ lão thành. Hồ Diệu Bang bị kết tội đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và đấu tranh không có hiệu quả với tự do hóa của giai cấp tư sản. Bởi vậy, tháng 1/1987 ông bị các nguyên lão bức phải từ chức mà không theo trình tự pháp lý nào. Tại Hội nghị toàn thể trung ương 7 Khóa 12 ĐCS Trung Quốc họp tại Bắc Kinh ngày 20/10/1987, Ban chấp hành trung ương đã chấp nhận đơn từ chức của ông và chức TBT giao cho Triệu Tử Dương. Ông đã ngậm oan và quá uất ức nên ngày 15/4/1989 ông qua đời do đau tim.

Sự kiện Hồ Diệu Bang được coi là vấn đề chính trị nhạy cảm liên quan tới cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc mà không ai dám đụng vào, ngay cả ông Đặng Tiểu Bình là người có quyền thế nhất Trung Quốc thời kỳ đó. Phát biểu nội bộ với cán bộ cấp cao vào tháng 4/2013 khi mới lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình nói: Đảng ta từng có các đồng chí lãnh đạo tiền bối rất lý tưởng như Trần Độc Tú, Trương Văn Thiên, nhưng rồi kết cục của họ trong đảng đều không tốt, còn đồng chí Triệu Tử Dương không cần phải nói. Không phải là tôi không muốn cải cách thể chế chính trị hiện nay mà thực sự tôi không thể cải cách và cũng không dám nhẹ dạ cải cách. Ngay trong thời đại của mình, hai vị TBT là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã phải gác lại vấn đề này. Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thâu tóm tới 9 chức vụ quan trọng, thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng Đánh hổ lớn, đập ruồi nhặng tới nay uy tín và địa vị của ông đã được củng cố.

Trang Đa Chiều hôm 17/11/2015 cho rằng việc Trung Quốc tiến hành kỉ niệm trọng thể Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình đang từng bước tháo gỡ vấn đề chính trị nhạy cảm. Vấn đề chính trị nhạy cảm mà ngay Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào không dám đụng vào là do xã hội Trung Quốc sau khi cải cách mở cửa thực sự đã gặp phải nhiều vấn đề gây cấn nếu đột phá sẽ có sự thay đổi to lớn về thể chế chính trị ở Trung Quốc. Việc ông ông Tập Cận Bình dám tháo gỡ vấn đề chính trị nhạy cảm xuất phát từ những nhân tố sau:

Một là, ông Tập Cận Bình là TBT, Chủ tịch đầy quyền lực trong đảng CSTQ, Nhà nước và quân đội, nên cho phép ông có thể làm được mà không sợ “cơ chế nguyên lão”, các nhóm lợi ích chống đối và hạ bệ như họ đã làm với Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.

Hai là, hiện nay sự phát triển của xã hội Trung Quốc thực sự cũng đang gặp phải những vấn đề gay go về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cần phải có bước đột phá, tháo gỡ “Vấn đề chính trị nhạy cảm” nhằm tạo cho ông Tập Cận Bình có bước đột phá mới thời gian tới.

Ba là, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi vào chiều sâu hơn nữa để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, vì Hồ Diệu Bang ngay khi làm TBT đã dám kiên quyết phát động cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Bốn là, năm 2016 là năm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 19 triệu tập vào năm 2017, vì vậy tháo gỡ vấn đề này nhằm mục đích dọn đường cho ông Tập Cận Bình thuận lợi tiếp tục thêm một khóa nữa.

Về quan hệ riêng tư với Hồ Diệu Bang, tháng 4/2013 khi phát biểu nội bộ với cán bộ cấp cao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói: Cha tôi và cựu TBT Hồ Diệu Bang là bạn thân thiết với nhau. Cựu TBT Hồ Diệu Bang trước đây chẳng đã từng tham gia cuộc vạn lý trường chinh đó sao?. Tôi nghĩ, mình cần phải ôn lại lịch sử và tinh thần chiến đấu của Đảng ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền, đồng thời coi Trần Đức Bình (con trai trưởng của Hồ Diệu Bang) là ông anh của tôi. Báo chí Trung Quốc ngày 17/11/2015 cho biết Hồ Diệu Bang và Tập Trọng Huân (cha của Tập Cận Bình) là hai người cùng một tư tưởng và là bạn thân thiết với nhau. Khi nắm quyền, Hồ Diệu Bang đã lập tức minh oan cho Tập Trọng Huân, ngược lại Tập Trọng Huân là người ủng hộ mạnh mẽ Hồ Diệu Bang. Khi các nguyên lão yêu cầu hạ bệ Hồ Diệu Bang thì Tập Trọng Huân là người phản đối gay gắt nhất. Mối quan hệ thân thiết giữa hai gia đình đã truyền lại cho các con của họ.

Việc tổ chức Lễ kỉ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang, ông Tập Cận Bình vẹn cả công – tư đôi đường. Bởi vậy, ngay từ năm 2014, Trung Quốc công bố Lễ Kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang là một trong 4 ngày lễ lớn trong năm 2015 của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc cho biết ngoài việc cơ quan tuyên truyền của đảng mở đợt tuyên truyền về công lao của Hồ Diệu Bang, cơ quan đảng và Nhà nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm, như ngày 16/11/2015 tạp chí Động thái lý luận của giới lý luận Trung Quốc tổ chức hội thảo Hồ Diệu Bang với Động thái lý luận. Nhân dân Nhật báo ngày 17/11/2015 cho biết Nhà xuất bản Nhân dân xuất bản cuốn Hồ Diệu Bang tuyển tập, Hồ Diệu Bang ở Trường đảng trung ương. Các nhà xuất bản khác xuất bản Hồ Diệu Bang truyện, cuốn họa báo Hồ Diệu Bang. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc xây dựng phim tài liệu 5 tập Hồ Diệu Bang trong đó nhấn mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trước đây do ông khởi xướng.

Ngày 20/11/2015 Trung Quốc tổ chức Lễ kỉ niệm tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với sự tham dự của ông Tập Cận Bình, đồng thời tại quê Hồ Diệu Bang ở Lưu Dương, Hồ Nam và Thành phố thanh niên ở Giang Tây cũng tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm. Dư luận các nước cho rằng tổ chức long trọng Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh cố TBT Hồ Diệu Bang rõ ràng có mục đích chính trị lớn để ông Tập Cận Bình tạo ra bước đột phá mới như Hồ Diệu Bang đã làm cách đây 28 năm.

Ngày 8/2/2018, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã trích dẫn bài phỏng vấn vào năm 2017 đối với ông Hà Tái – nguyên Thư ký trưởng Ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo lời kể của ông Hà Tái, vào tháng 9/1984, lãnh đạo ĐCSTQ bấy giờ là ông Hồ Diệu Bang đã chỉ thị Ban Tổ chức trung ương mở một hội nghị báo cáo với thành viên tham dự là một số Bí thư huyện ủy tại các địa phương nhằm tạo sự kết nối giữa trung ương và địa phương. Ông kể: Tôi đã tìm hơn mười Bí thư huyện ủy về trung ương báo cáo, bao gồm bốn đại diện đến từ tỉnh Hà Bắc. Ông Tập là một trong số này. Giai đoạn này, ông Tập là Bí thư huyện ủy Chính Định, Hà Bắc. Báo cáo của ông Tập thể hiện một bức tranh toàn cảnh và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, khác biệt hoàn toàn với các bác cáo thông thường của các Bí thư huyện ủy còn lại. Từ sự phát triển của một huyện nhỏ, ông ấy bàn luận tới chiến lược nhân tài, tài nguyên của Trung Quốc, bao gồm triển vọng trong tương lai – vấn đề dân số không ngừng gia tăng khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm thiểu – đây được cho là chìa khóa quan trọng cho sự phát triển của quốc gia. Sau hội nghị, tôi đã trao đổi ý kiến với Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Úy Kiện Hành rằng: Tập Cận Bình không hề đơn giản, một Bí thư huyện ủy nhưng lại có một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Đây chính là rường cột quốc gia.

Sau đó, dưới kiến nghị của Kiện Úy Hành, Hà Tái đã chuyển báo cáo hội nghị lên Ủy ban trung ương và tán dương ông Tập là rường cột quốc gia. Ông Hà tiết lộ: Sau khi xem báo cáo, Hồ Diệu Bang đã gạch ba gạch dưới cụm từ rường cột quốc gia. Đây là sự ghi nhận của của các đồng chí lãnh đạo quan trọng trung ương và Ban Tổ chức khi đó [đối với ông Tập]. Giới phân tích cho rằng, chính nhờ ba gạch chân dưới cụm từ rường cột quốc gia mà con đường bước vào Trung Nam Hải của ông Tập trở nên rõ ràng và thuận lợi hơn.

Tháng 1/2019, ông Hồ Đức Bình – con trai cả cố Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang cảnh báo Bắc Kinh cần học từ những sai lầm của Liên Xô và theo đuổi cải cách cho đến cùng. Ông Hồ Đức Bình được đánh giá là nhân vật có sức ảnh hưởng thuộc nhóm ủng hộ tư tưởng tự do trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài diễn văn của chính trị gia 76 tuổi gây chú ý tại buổi thảo luận do Viện Nghiên cứu Luật và Kinh tế Hongfan tổ chức ở thành phố Bắc Kinh hôm 16/1. Đây là tổ chức học giả với thành viên là các cựu cố vấn kinh tế, chính sách và các nhà hàn lâm Trung Quốc. Ông nói: Một trong những sai lầm chết người (của Liên Xô) là họ theo đuổi hệ thống chính trị tập trung quyền lực cao. Sai lầm khác là hệ thống kinh tế theo kế hoạch cứng nhắc của họ. Lịch sử thế kỷ 20 đã cho thấy các nước tư bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành công nhờ vào tiến bộ công nghệ và cải thiện năng suất thay vì dựa dẫm vào mô hình tăng trưởng nhờ thu hút đầu tư. GDP của Nga bây giờ thậm chí còn ít hơn của tỉnh Quảng Đông. Điều này khiến người ta không khỏi tiếc nuối (về sự sụp đổ của Liên Xô).

Link:

https://m.canhco.net/vi-sao-ong-tap-bat-ngo-ton-vinh-tong-bi-thu-xau-so-cua-trung-quoc-p135220.html/amp
https://m.soha.vn/nho-ba-gach-chan-cua-ho-dieu-bang-ong-tap-can-binh-de-dang-buoc-vao-trung-nam-hai-20180208113345443.htm

Hình dưới: Hồ Diệu Bang và Tập Trọng Huân (phải) tại sân bay Quảng Châu, xuân 1980.

https://tuoitre.vn/con-trai-ong-ho-dieu-bang-trung-quoc-can-hoc-bai-hoc-tu-lien-xo-2019011711544667.htm

You may also like

Leave a Comment