Ma lực của màu đen trong ngành công nghiệp thời trang này là điều không thể nào chối bỏ. Tất nhiên nó không chỉ đơn thuần là màu đen mà các bạn trẻ sử dụng fashion bây giờ gọi là dark-wear, là tối giản. Màu đen mà các bạn thể hiện đó chưa đúng nghĩa là “Sức mạnh màu đen” của ngành thời trang. Không phải là mặc nguyên cây đen từ đầu đến chân đã là đẹp, không phải mặc từ trên xuống dưới “All-Black” là chúng ta có thể vỗ ngực tự xưng rằng chúng ta đã thuộc phong cách “Đắc-que”, là “Tối giản”. Cái sự mặc đẹp nó là sự hòa trộn của rất nhiều chi tiết liên quan – bao gồm tỉ lệ cơ thể, màu sắc, layer phối đồ và thần thái của người mặc. Vì thế, cũng mặc cả nguyên cây đen đó – có người nhìn sang, có người nhìn rất “Tối”.
Cây đại thụ trong làng thời trang – Yohji Yamamoto đã từng nói về màu đen như thế này:
“Black is modest and arrogant at the same time. Black is lazy and easy – but mysterious. But above all black says this: I don’t bother you – so don’t bother me”
“Màu đen là thứ vừa khiêm tốn, vừa kiêu ngạo. Một thứ màu tạo cho ta cảm giác dễ dàng và lười biếng – nhưng nó lại hàm chứa sự bí ẩn. Nhưng trên tất cả, màu đen cho ta thông điệp: Tôi không làm phiền bạn, vì vậy bạn đừng có mà phiền tôi”.
Đúng vậy – cuộc đời không có kẻ mạnh hay kẻ yếu, chỉ có kẻ mặc đồ màu đen đẹp và kẻ không đẹp đi mặc đồ màu đen mà thôi.
Tượng trưng cho sự bí ẩn, sự sang trọng của địa vị. Màu đen: thứ màu từng một thời là tượng trưng của tà giáo, của phù thủy – của sự nổi loạn nhưng lại có khi là niềm tin của đơn giản, của chủ nghĩa cá nhân, của sự khép kín. Đúng vậy, màu đen trong thời trang sở hữu thứ sức mạnh nằm ở tính đa mặt của nó – quý phái, bí ẩn và cô độc, một thứ màu không cần phải quá phô trương nhưng lại có tính phô diễn. Trong lịch sử ngành thời trang trước giờ màu đen luôn là màu “gần như là phải có” trong các bộ sưu tập – không ít thì nhiều. Phụ thuộc vào phong cách và tư tưởng của fashion designer mà họ sẽ sử dụng màu đen như một “màu sắc’ để miêu tả ngôn ngữ thiết kế của họ.
Màu đen mang tới sự chuẩn chỉnh, sang trọng và bí ẩn. Nên nó hoàn toàn phù hợp với Haute couture hoặc rộng hơn là cả thời trang, vốn dĩ được làm ra để phục vụ mục đích cho con người thể hiện bản thân. Năm 2022 khi xu hướng của năm nay đang mang lại các giá trị may đo cao cấp của “Haute Couture” được thể hiện bởi các nhà thiết kế và thương hiệu hàng đầu – đặc biệt trong nửa giai đoạn Fall và Fall-Winter 2022 thì chúng ta rõ ràng thấy màu đen trở lại mạnh mẽ (Cùng với màu trắng). Từ Christian Dior – Maria Grazia Chiuri, Givenchy – Matthew Williams, Versaces, Amiri hay Alaia.. sắc đen thể hiện nhiều hơn. Dù những màu được dự đoán là xu hướng năm nay như là Purple Perri, hay cả những màu vẫn được yêu thích từ 02 năm trước như xanh lá, beigie hoặc dark browne thì màu đen vẫn xuất hiện xen lẫn trong đó.
Tuy nói màu đen dễ phối mà lại không dễ phối. Rõ ràng là một điều như vậy. Cho nên mình mới nói là tại sao có người mặc màu đen đẹp, có người lại không. Ngay cả bản thân màu đen nó đã có nhiều tông màu khác nhau, giữa các sản phẩm khác nhau ngay cả trong một outfits. Đen tuyền, đen ánh xanh, đen ánh xám, đen ánh bạc, đen pha – đen bạc. Việc phối các sản phẩm màu đen với nhau nó còn đòi hỏi sự liên quan về “ánh đen” giữa các items trong 1 looks. Ngày xưa mình cũng hay bị lỗi này (Và giờ cũng vậy) đó là “Màu đen” giữa phần trên, phần dưới không thống nhất với nhau. Nó giảm bớt đi tính “Sang” của màu đen và giảm đi hiệu quả “thời trang” trong ánh nhìn của người khác nhìn vào. Màu đen này rõ ràng phụ thuộc vào chất liệu. Thông thường chúng ta hay mix and match giữa các thương hiệu thời trang khác nhau nên chất liệu của các sản phẩm cũng khác – từ các thương hiệu nội địa Việt đến các thương hiệu quốc tế. Mà mỗi brands sử dụng một dạng chất liệu khác nhau nên nếu người mua/người sử dụng không tinh ý trong việc xem xét chất liệu có thể dẫn tới những lỗi tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng cả nguyên một bộ trang phục đang mặc.
Hay ví dụ như thế này, các bạn hiện tại khá ưa sử dụng màu đen đến từ các chất liệu bằng da (leather), latex hay faux leather (giả da). Tuy là màu đen nhưng khi ra môi trường bên ngoài có ánh sáng nhiều, các chất liệu trên có một độ bóng và phản sáng nhất định. Đặc biệt là tại Việt Nam là một nước nhiệt đới ánh sáng “chan hòa” quanh năm nên thường màu đen chất liệu đó ra ngoài sẽ không còn màu đen thuần nhất nữa mà chuyển sang môt dạng màu khác. Điều nà chúng ta phải lưu ý trong việc chọn chất liệu đồ đen khi ra ngoài đường.
Quay trở lại các nhà thiết kế thời trang – đặc biệt là những người yêu thích màu đen, sự tương phản, bất quy tắc, tạo khối và layer. “Minimalism” – tối giản ở đây không có nghĩa là “Đơn sắc” như nhiều người hiểu lầm. Tối giản hóa để đạt được hiệu quả lớn nhất, là trò chơi của thiết kế. “Thể hiện sự đơn giản thông qua các lối suy nghĩ phức tạp”.
Để tạo ra hiệu ứng thời trang một cách tối đa, minimalism sẽ bỏ qua những chi tiết không cần thiết để tập trung vào hình thức và chất liệu vải – kể cả đó có là tính năng cơ bản của quần áo hay không. Các nhà thiết kế sẽ khai thác sâu về đường nét, đường cắt – thớ vải và tạo khối trong bản mẫu để dù có sử dụng một màu đơn sắc (Tiêu biểu là màu đen hay màu trắng) – chúng vẫn có thể thể hiện ra các bậc màu khác nhau.
Màu đen cũng vậy. Tuy các bạn nghĩ rằng làm các sản phẩm màu đen dễ lắm, thì đúng là rất dễ nếu các items đó là blank tee, trouser nhưng đó có bao giờ các bạn hỏi rằng “Có những cái quần, áo đơn sắc mà giá lên vài ngàn đô hay không?”. Bên cạnh giá trị thương hiệu, chất liệu vải còn đến tính thiết kế. Do đặc thù của màu sắc nên màu đen luôn được trọng dụng trong việc “Tạo khối”, Layer. Hãy nhìn vào các thiết kế của Yohji Yamamoto, Craig Green, Rick Owens và các fashion desinger tài năng khác trong việc sử dụng màu đen để tạo khối trong sản phẩm họ làm ra. Cùng là màu đen đó nhưng nếu nó được “che” bởi 1 lớp layer khác thì màu đen đó sẽ biến thành một màu đen đậm hơn (hoặc nhạt hơn) tùy vào màu sắc. Cho nên những đồ màu đen đó không khiến chúng ta cảm thấy “nhàm chán” bởi sự đơn sắc, nó đòi hỏi sự tinh tế. Và các bạn đều biết rồi “Cái gì càng tối giản, cái gì càng tinh tế” thì cái đó càng mắc. Các thiết kế mang tính “cá nhân hóa” của fashion designer ép người dùng vào hệ sinh thái của họ mà không thể nào mix and match dễ dàng với các thương hiệu khác nếu không đủ nền tảng kiến thức về thời trang.
Do đó, khi các bạn sử dụng đồ màu đen cũng có thể tham khảo những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng để “học” được phần nào cách họ phối layer, đánh khối và chơi trò chơi màu sắc. Tưởng đơn giản mà lại vô cùng phức tạp. Tại sao màu đen lại bất tử, vì nó vừa dễ dàng sử dụng nhưng để đẹp thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sự khai thác bất tận cùng cách ứng dụng đa dạng khiến màu đen trong thời trang không bao giờ là lỗi thời.