ĐỨA TRẺ ĐÃ LỪA NGƯỜI MẸ ĐẾN THẢM THƯƠNG NHƯ VẬY SAO?

by admin

Tôi từng giúp chị Hoan bán sạp bánh nướng tính một khoản tiền: “Mỗi buổi sáng, chị ít nhất sẽ bán được 100 cái bánh nướng, mỗi cái 5 Tệ, chiên thêm cái bánh tráng sẽ là 6 Tệ, lòng nướng hoặc sợi khoai tây que cay cũng được 7-8 Tệ. Vậy thì mỗi cái bánh nướng sẽ lời được ít nhất 4 Tệ, trung bình mỗi buổi sáng sẽ có 400 Tệ. Bây giờ chị bày bán ngoài lề đường như vậy, giả bộ như tôi phạt chị 10 Tệ, có quá đáng không?”

Chị Hoan nhìn tôi bằng đôi mắt hạnh nhân sáng ngời: “Nhưng chị còn con nhỏ! Chị phải đóng học phí cho con!”

Con trai chị Hoan có biệt danh là Que Diêm. Người cũng như tên, vóc dáng nó gầy nhỏ, đầu lại to, đến trạm tàu hỏa nơi đây cũng vừa tròn 12 tuổi. Que Diêm hẳn là cả máu thịt của chị Hoan. Người ta khoe con thì cho xem hình, còn chị khoe con thì khoe cả người thật. Ngoài những lúc con đi học, chị Hoan luôn mang nó theo kề cận bên mình, gặp người thì bắt đầu tự hào con mình thông minh, lanh lợi, hiểu chuyện. Mấy đứa con của sạp quán bên cạnh, nếu không đi học thì chúng cũng bị bắt giúp đỡ gia đình bán hàng. Chị Hoan thì chỉ cho Que Diêm ngồi trên chiếc ghế nhỏ bên cạnh sạp bánh nướng của mình. Nhưng cứ hễ Que Diêm học được câu thơ, đoạn tiếng Anh nào trên trường là chị sẽ để nó đi khắp sạp quán đọc cho họ nghe. Chị đứng sau sạp hàng, mỉm cười dõi theo con dưới ánh chiều tà dần buông và làn khói đang hun mờ xung quanh. Chị tận hưởng nét cười nói tài hoa của đứa con mình.

Que Diêm là kiểu đứa trẻ rất biết nghe lời, trong mắt chẳng hằn một vết vẩn đục. Cho dù những lúc hưng phấn nghịch ngợm nhất, chỉ cần chị Hoan hoặc một cô chú nào đó trừng một cái là nó sẽ ngoan ngoãn lại liền. Đứa trẻ này cho tôi ấn tượng về một tính cách tốt đẹp hiếm có. Nó là kiểu an tĩnh và biết chấp nhận đến lạ thường. Cuộc sống có khổ cực đến đâu, trời có lạnh đến mức nào đi chăng nữa thì nó vẫn ngoan hiền ngồi bên sạp hàng của chị, lúc cười lúc ngẩn ngơ, chưa bao giờ thể hiện bất kì sự bất an hay quấy nháo nào. Có một dạo, không biết vì chuyện gì mà nó chọc tức chị Hoan, chị tung chân hướng về nó, chiếc dép dưới chân thuận lực tụt khỏi bay đập thẳng vô mặt Que Diêm. “Chát” – Chuẩn xác trọng tâm.

Tôi nhìn cảnh đó mà ngu người luôn. Đây chắc chắn không phải tuyệt kĩ một sớm một chiều có thể học được.

Sau đó, tôi thấy Que Diêm không khóc lóc gì cả, chỉ là trên mặt tròn nhỏ nhắn có vết ửng đỏ. Nó cúi người nhặt chiếc dép, chạy từng bước ngắn đến đặt trước chân mẹ, giúp mẹ mang lại dép. Xong xuôi, nó quay lại ghế ngồi, nhìn về dòng xe chạy mà cười ngây ngô.

Que Diêm ấy vậy mà cũng mang lại nhiều lợi ích thực tế lắm. Đầu tiên, chị Hoan có thể lấy nó để bàn điều kiện với tôi. Thứ hai, đó chính là giành địa điểm. Vốn dĩ ở trạm tàu hỏa chúng tôi có một bà bán bắp luộc tên là Chí Vân. Bà cũng bày bán trên một khoảng đất nhỏ như chị Hoan. Bà cô Chí Vân này cũng không phải dạng hiền lành gì, rất thích tranh đấu với chị Hoan. Chị cãi không lại, chỉ đành phải tìm trò khác để chơi bà vài vố. Ví dụ như những hạt táo, vỏ quýt mà Que Diêm ăn xong, nhận được ánh mắt của chị Hoan, nó sẽ ném những thứ đó bên cạnh nồi bắp luộc của bà Chí Vân, thậm chí có lúc còn vô cả trong nồi. Sau thì bị tôi nhắc nhở, chị Hoan đắc chí bảo: “Nói cho cậu nghe, cậu coi mà xử lí cho triệt để chứ không thôi là chị sẽ bảo Que Diêm đi tiểu vào lò lửa của bả cho mà xem.”

“Chị dám!”

“Đùa cậu thôi!”

Đó là những kí ức còn sót lại về chị Hoan và con trai của chị. Những chuyện sau này tôi biết được là nhờ mấy lời kể lại của cô chú sạp hàng trước cửa.

Có một ngày, chị Hoan và Que Diêm đang thu dọn xe hàng trở về. Que Diêm nói muốn đi nhà vệ sinh, nhưng rồi nó đã một đi không trở lại.

Đó là một ngày bình thường, trên trời đêm có trăng sáng, đường xá cũng rất nhộn nhịp. Sau khi chị Hoan biết được con trai mất tích, chị hoảng loạn vô cùng. Hôm sau, chuẩn bị đi báo cảnh sát thì nhận được điện thoại ở quê nhà. Đến lúc này, chị mới biết rằng chồng chị đã đón Que Diêm đi, hai người đã tan vỡ tình cảm từ lâu nhưng chưa hề ly hôn.

Điều ngỡ ngàng hơn chính là: Người đàn ông ấy ban đầu không hề biết mẹ con chị Hoan ở đâu. Chính là do Que Diêm đã tìm được cách liên hệ với bố của mình tận một năm trước. Hai bố con giấu giếm chị Hoan duy trì liên lạc, sau đó tính toán cùng nhau trở về quê đoàn tụ. Thương lượng kĩ càng thời gian và địa điểm, hai người đã làm theo kế hoạch gặp nhau ở trạm cao tốc cùng về quê trong đêm hôm ấy.

Mọi việc thật sự ngoài tầm kiểm soát của chị Hoan. Vì để tránh sự nghi ngờ của chị, Que Diêm đã không mang theo bất kì thứ gì, kể cả món đồ chơi mà nó thích nhất. Nó thậm chí còn chẳng cho mẹ nó một ánh mắt không nỡ cuối cùng nữa.

Ban đầu, chị Hoan tưởng rằng con mình mất tích, kết quả là nghe được ở nhà gọi điện báo rằng nó đã đi cùng bố nó, vả lại nó còn tỏ ý không muốn ở cùng mẹ. Chị Hoan thất thần vô cảm mấy ngày liền, sau đó cũng trở về quê, từ đó bặt vô âm tín.

Tôi còn chưa dám tin khi biết được mọi chuyện. Trong đầu vẫn hiện về ánh mắt thuần khiết của Que Diêm, cả sự tôn trọng và rất mực nghe lời của nó với chị Hoan. Hai mẹ con vẫn thắm thiết bên nhau từng ngày, cứ như tình mẫu tử thiêng liêng còn hiện hữu nơi đó. Nhưng vào cái ngày mùa hạ ấm áp không ngờ ấy, thế mà lại ẩn náu một kế hoạch kinh thiên động địa. Một đứa trẻ có thể giả bộ ngây ngô, một tay che trời, mục đích chỉ để thoát khỏi mẹ ruột của mình, thoát khỏi cuộc sống hiện tại.

Bởi vậy, tôi cho rằng, thứ còn đáng sợ hơn cả chính là lòng tin của con người. Nó có thể cho chúng ta cú đánh bất ngờ ngay trong lúc ta cảm thấy mọi thứ dường như đang hạnh phúc, tốt đẹp nhất. Và rồi, những gì còn lại là vết thương, lỗ hổng đầm đìa máu chảy chẳng thể nào nguôi ngoai.

Càng đáng sợ hơn nữa là khi nó luôn xuất hiện giữa người thân và những người chúng ta thương yêu.

You may also like

Leave a Comment