MALADAPTIVE DAYDREAMING – CHỨNG RỐI LOẠN MƠ MỘNG LÀ GÌ?

by admin

Có bao giờ bạn ngồi trong lớp học mà tâm trí của bạn lại đang phiêu du ở một nơi khác không? Có thể bạn đang mơ về một bãi biển. nơi bạn đang tắm nắng và thưởng thức li cocktail tuyệt hảo. Thông thường, chúng ta thường sẽ hay mơ về một nơi khác khi ta không thể thay đổi những gì đang xảy ra ở hiện tại. Việc mơ mộng như thế này nghe có vẻ vô hại, sáng tạo và thật vui đúng không nào? Thực ra, bạn quên mất rằng bất cứ một thứ gì nhiều quá cũng không tốt. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về chứng rối loạn mơ mộng (Maladaptive Daydreaming)

  1. MALADAPTIVE DAYDREAMING LÀ GÌ?
    Maladaptive Daydreaming là thuật ngữ đầu tiên được định nghĩa bởi giáo sư Eli Somer vào năm 2002. Theo ông, đây là một hiện tượng tâm thần có thể gây cản trở bạn thực hiện các công việc hàng ngày, ví dụ như học tập, làm việc hay các hoạt động khác của bạn. Ông phát hiện ra Maladaptive Daydreaming thường xảy ra ở những người từng có chấn thương tâm lí và vì vậy, họ sẽ chọn mơ mộng như một cách để thoát khỏi thực tại đau lòng. Điều thú vị ở hiện tượng này đó chính là nó không được trình bày trong sổ tay DSM (viết tắt của Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, tạm dịch là Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần). Tuy nhiên, một vài chuyên gia tin rằng đây là một dạng rối loạn tâm thần có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một cá nhân.
  2. TRIỆU CHỨNG CỦA MALADAPTIVE DAYDREAMING?
    Những người mắc chứng mơ mộng quá mức thường bị kích thích bởi những sự kiện đau thương trong cuộc sống thực hay những kí ức buồn liên tục được nhắc lại. Những giấc mơ của họ thường rất sống động, chứa đựng những “cốt truyện” đầy sáng tạo và đủ các dạng nhân vật cụ thể. Họ có thể có thói quen nói thì thầm trong lúc mơ và có thể mơ đến nhiều giờ liền, do đó, nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của họ. Ngoài ra, họ cũng thường mắc phải nhiều vấn đề về giấc ngủ mỗi đêm. Maladaptive Daydreaming có thể cùng tồn tại với các rối loạn tâm thần khác như ADD, OCD hay thậm chí là trầm cảm.
  3. MALADAPTIVE DAYDREAMING CÓ THỂ CHỮA KHỎI KHÔNG?
    Thật không may, hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị chính thức nào cho Maladaptive Daydreaming. Tuy nhiên, có một số cách để bạn có thể dùng để giảm đi các triệu chứng như hạn chế hoặc tránh những người, địa điểm hay bất kì tình huống nào có thể gây ra sự kích thích cho bạn. Ngoài ra, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra fluvoxamine (Luvox) có hiệu quả trong việc giúp kiểm soát các “giấc mơ ban ngày”. Đây cũng là một loại thuốc phổ biến nằm trong phương pháp điều trị OCD.

You may also like

Leave a Comment